Tạo động lực để điện ảnh phát triển mạnh mẽ

05/01/2022
In trang
Đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động đến ngành điện ảnh, gây ra nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy, năm 2021 vẫn đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của ngành, trong đó có việc góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), ấn tượng từ những bộ phim đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng và kết quả Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22.

Từ khi Luật Điện ảnh (năm 2006) được thực thi, ngành điện ảnh đã đạt được những kết quả khả quan, như: Thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực điện ảnh; đầu tư có trọng tâm vì mục tiêu phát triển; có chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, lực lượng vũ trang và phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại; công tác tổ chức, quảng bá điện ảnh đã góp phần đưa điện ảnh nước nhà vươn xa, hội nhập. Tuy nhiên, trước sự phát triển của kinh tế, xã hội với nhiều thành tựu to lớn, tác động mạnh mẽ tới đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, và đặc biệt là xu thế hội nhập quốc tế, áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật Điện ảnh cần được điều chỉnh để không bị tụt hậu.

Nhiều ngổn ngang bên cạnh điểm sáng

Tại các hội nghị, hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được tổ chức ở hai miền bắc-nam, các đại biểu đưa ra những trao đổi thẳng thắn, tích cực, góp phần làm rõ những nội dung liên quan đến tính khả thi trong các quy định của Luật, đồng thời đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai, tháng 10/2021. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm tám chương, 44 điều, có nhiều nội dung mới so với Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009.

Cảnh trong phim "Mắt biếc" đoạt giải Bông sen vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22.

Vấn đề khai thác, phổ biến phim trên không gian mạng và các phương tiện nghe nhìn, thiết bị di động; thẩm định, phân loại phim truyện; cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam… là những nội dung mới, chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh. Đa số các ý kiến góp ý đều nhấn mạnh, các hoạt động về điện ảnh vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa có sự thống nhất, đồng bộ ở các quy định; giấy phép còn chồng chéo, quy trình còn nhiều bước, gây mất thời gian cho doanh nghiệp, các nhà sản xuất... Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần cụ thể hơn để đi vào thực tiễn cuộc sống. Các vấn đề chính trị, văn hóa, sắc tộc, tôn giáo... trong điện ảnh cần được nhìn nhận, đánh giá một cách cẩn trọng.

Bên cạnh những ngổn ngang đang chờ đợi sự điều chỉnh của Luật, năm 2021, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 được tổ chức từ ngày 18 đến 20/11 tại thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) với khẩu hiệu: “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn” là sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Từ 141 bộ phim gửi hồ sơ tham dự, Ban Tổ chức chọn được 127 phim của 41 đơn vị tham dự Liên hoan Phim ở chương trình phim dự thi và chương trình toàn cảnh. Trong đó, chương trình phim dự thi có 92 bộ phim, bao gồm 17 phim truyện, 37 phim tài liệu, 15 phim khoa học, 23 phim hoạt hình; chương trình toàn cảnh có 35 bộ phim bao gồm 8 phim truyện, 19 phim tài liệu, 8 phim hoạt hình. Trong các tác phẩm dự thi, thể loại phim tài liệu chiếm số lượng lớn (56 phim); Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương là đơn vị gửi nhiều phim tài liệu tham dự nhất (24 phim). Bên cạnh đề tài chiến tranh cách mạng, nhân vật lịch sử... phim tài liệu năm nay còn nổi bật ở đề tài phòng, chống dịch bệnh với các bộ phim tạo ấn tượng mạnh cho khán giả, trong đó có phim “Ranh giới” (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất).

Hầu hết các tác phẩm điện ảnh năm 2021 đều được sản xuất, phát hành trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành điện ảnh gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng. Dù vậy, ở những thời điểm thích hợp, một số đơn vị vẫn nắm bắt cơ hội, phát hành tốt. Bộ phim “Bố già” (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành) đạt mức doanh thu khoảng 400 tỷ đồng sau một tháng công chiếu. Ngoài thị trường trong nước, phim được phát hành ở Malaysia, Singapore, Mỹ...

Một số phim khác cũng đạt doanh thu cao, như: “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ (172 tỷ đồng sau hơn một tháng công chiếu), “Tiệc trăng máu” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (177 tỷ đồng sau hơn một tháng công chiếu). Đáng chú ý ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 có sự góp mặt của các nhà làm phim độc lập với những tác phẩm: “Ròm”, “Miền ký ức”... và bên cạnh hệ thống giải thưởng như thông lệ, lần đầu tiên Liên hoan phim có thêm hai giải thưởng: Đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc; Kỹ xảo phim truyện điện ảnh xuất sắc. Đây là điểm mới góp phần ghi nhận và khẳng định sự phát triển công nghệ của điện ảnh Việt Nam, đồng thời khích lệ các tài năng mới...

Kỳ vọng vào sự bứt phá

Nhận định về điện ảnh trong nước năm 2021, các chuyên gia cho rằng, xét về tổng thể, điện ảnh vẫn có những bước thay đổi đáng ghi nhận. Trước đây, phim đạt doanh thu cao, đoạt giải thưởng lớn chủ yếu thuộc thể loại tình cảm, hài hước thì trong năm qua các dự án phim đã có bước chuyển sang thể loại khó hơn, nội dung bám sát các vấn đề nóng hổi của đời sống xã hội; chú trọng hơn tới yếu tố truyền thống dân tộc, bản sắc vùng miền. Tín hiệu này mang lại kỳ vọng về chiều sâu chất lượng được các nhà làm phim xây dựng từ ý tưởng, kịch bản đến kỹ thuật, kỹ xảo. Trong bối cảnh khó khăn chung, điện ảnh vẫn đang là một trong những lĩnh vực tiên phong vượt khó so với nhiều loại hình khác.

Bên cạnh tín hiệu đáng mừng, ngành điện ảnh vẫn tồn tại những hạn chế, như: Chưa xây dựng được các cơ chế, chính sách phù hợp và đồng bộ để phát triển công nghiệp điện ảnh; chưa có quy định phù hợp khi hoạt động điện ảnh chuyển sang công nghệ số ở cả ba lĩnh vực: sản xuất, phát hành và phổ biến phim; nhiều địa phương chưa thật sự chủ động để tăng cường nguồn lực, phát huy thế mạnh về đầu tư phát triển điện ảnh; chưa đạt các chỉ tiêu về đầu tư trang bị kỹ thuật, đặt hàng sản xuất phim, đào tạo điện ảnh theo mục tiêu Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; còn để xảy ra nhiều vụ việc, tình trạng vi phạm bản quyền, gây thiệt hại không nhỏ cho các đơn vị sản xuất, phát hành. Ngoài ra, các vấn đề về sản xuất, phát hành, phổ biến phim; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế trong điện ảnh... cũng là những nội dung cần thêm sự điều chỉnh, đổi mới.

Trong giai đoạn tới, theo các chuyên gia, ngành điện ảnh cần thay đổi về các cơ chế trong sản xuất, hợp tác, đầu tư; xây dựng cơ chế pháp lý nhằm khuyến khích đầu tư, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư vào thị trường điện ảnh; có những chính sách ưu đãi cho đầu ra của phim; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu, đặc thù; cập nhật các xu hướng điện ảnh mới; nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức các sự kiện điện ảnh.

Đẩy mạnh xã hội hóa, củng cố và đầu tư cho hệ thống phát hành, phổ biến phim; tạo điều kiện thuận lợi trong khai thác tiềm năng bối cảnh về di tích lịch sử-văn hóa, cảnh quan; tăng tỷ lệ phổ biến những tác phẩm vừa mang giá trị nghệ thuật và có tính thương mại. Việc dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 5/2022, kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành điện ảnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ để vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế theo hướng công nghiệp, hiện đại, hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

MAI LỮ báo Nhân dân

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan