Ngày 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”. Từ đó đến nay trải qua 60 năm, điện ảnh cách mạng Việt Nam luôn luôn song hành cùng lịch sử dân tộc, cùng cuộc sống, chiến đấu của nhân dân ta. Hơn thế nữa, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong làng điện ảnh quốc tế với nhiều giải thưởng danh giá.

* Trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến

Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã hình thành từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử. Những thước phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam ra đời ở hai trung tâm điện ảnh đầu tiên: Bưng Biền (Long An) và Đồi Cọ (Thái Nguyên) những năm 1946-1947. Đó là những thước phim tài liệu chân thực, sống động về cuộc chiến đấu chống Pháp vô cùng anh dũng của nhân dân ta mà ngày nay đã trở thành bằng chứng lịch sử vô giá. Có thể kể đến những bộ phim như “Trận Mộc Hóa”, “Chiến dịch Cao- Bắc- Lạng”, “Chiến thắng Đông Khê”, “Chiến thắng Tây Bắc”… Trong bối cảnh 2 cuộc kháng chiến, những thước phim tài liệu quý giá đã mang lại nhiều giải thưởng quốc tế danh giá cho điện ảnh Việt Nam.

Bộ phim truyện nhựa đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam mang tên “Chung một dòng sông” ra đời năm 1959, gắn với sự hình thành của Xưởng phim truyện Việt Nam. Sau đó một năm, vào năm 1960 bộ phim hoạt hình đầu tiên mang tên “Đáng đời thằng Cáo” cũng đã ra mắt. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt nhất, điều kiện máy móc, vật chất vô cùng khó khăn gian khổ, những bộ phim truyện, phim hoạt hình đỉnh cao vẫn tiếp tục ra đời. Về phim truyện không thể quên “Con chim vành khuyên”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Chị Tư Hậu"…Còn phim hoạt hình thì có “Chuyện ông Gióng”, “Mèo con”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”…

Nói về điện ảnh cách mạng Việt Nam thời kỳ này, cố NSND, đạo diễn Hải Ninh – một trong những nhân vật gạo cội của làng điện ảnh khẳng định: Diện mạo của điện ảnh cách mạng Việt Nam đã được hình thành và phát triển không ngừng qua 2 cuộc kháng chiến, chống Pháp và chống Mỹ. Quy mô điện ảnh Việt Nam từ nhỏ nhoi đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam đến với quốc tế bằng những bộ phim tài liệu và điện ảnh chân thực, sinh động nhất. Có thể nói, chưa có ngành nghệ thuật nào mà sự hy sinh xương máu lại nhiều như điện ảnh. Dưới mưa bom bão đạn, khi mọi người tránh, trú bom thì những người làm điện ảnh, nhất là quay phim gần như phải hy sinh thân mình để quay lại những hình ảnh bom đạn khốc liệt. Những người làm điện ảnh lúc đó đến với nghề, làm nghề thực sự bằng cái tâm trong sáng. Họ là người nghệ sỹ, chiến sỹ thực thụ, không tiếc máu xương đóng góp cho điện ảnh nước nhà.

Còn NSND Đặng Nhật Minh cũng cho biết: Những người nghệ sỹ điện ảnh lúc đó làm phim với tình yêu nghề nghiệp, lòng yêu nước, yêu dân tộc, hoàn toàn không bị chi phối bởi tiền bạc mà chỉ mong muốn phim đạt được chất lượng nghệ thuật cao nhất.

Hoạt động điện ảnh trong 2 cuộc kháng chiến đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với quân và dân ta và cũng là động lực để những người làm điện ảnh gắng sức hơn nữa cho ra đời những thước phim chân thực, xúc động, giàu tính nhân văn. Những bộ phim quý giá ra đời trong chiến tranh đều được quân và dân ta đón nhận nồng nhiệt. Điện ảnh đã trở thành một người chiến sỹ thực thụ, góp phần đắc lực làm nên chiến thắng của quân và dân ta mùa xuân năm 1975.

* Dấu ấn đổi mới và hội nhập

Cục trưởng Cục Điện ảnh, Tiến sỹ Ngô Phương Lan khẳng định: Việt Nam tự hào về chặng đường phát triển 60 năm của điện ảnh nước nhà với nhiều thành tựu rực rỡ, luôn song hành với lịch sử dân tộc. Những người làm điện ảnh không chỉ tự hào về quá khứ mà luôn vượt lên khó khăn, thách thức để phát huy quá khứ đáng tự hào. Trong thời kỳ giao lưu quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, điện ảnh Việt Nam càng cần nỗ lực đổi mới, hội nhập để tạo dấu ấn ở trong nước và quốc tế.

Dấu hiệu đổi mới của điện ảnh Việt Nam đã manh nha hình thành từ những năm 80 của thế kỷ XX với đột phá trong cách nhìn nhận, cách thức thể hiện vấn đề trong phim. Những bộ phim đổi mới đầu tiên như “Thị xã không yên tĩnh”, “Thằng Bờm”… đã tạo dấu ấn và động lực để những bộ phim sau đổi mới mạnh mẽ hơn. Các phim sau đó như “Tướng về hưu”, “Cô gái trên sông”, “Gánh xiếc rong”… đã gây nhiều tranh luận bởi cách khai thác vấn đề xã hội rất táo bạo, trực diện. Các phim đề tài chiến tranh, đề tài hậu chiến cũng được các nhà làm phim khai thác theo hướng mới, tinh tế hơn, bám sát hiện thực cuộc sống. Không chỉ phim truyện, phim tài liệu giai đoạn đổi mới cũng có sự chuyển hướng trong cách tiếp cận, khai thác vấn đề theo hướng gần gũi hơn với cuộc sống. Nhiều phim tài liệu thời kỳ đổi mới đã giành được giải thưởng trong các kỳ liên hoan phim quốc tế như: “Chị Năm khùng”, “Trở lại Ngư Thủy”, “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”…

Miền Nam những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX xuất hiện một dòng phim do tư nhân sản xuất mà người trong giới quen gọi là phim “mỳ ăn liền”; bất cứ phim nào sản xuất ra đều rất ăn khách. Tuy nhiên, những phim này chỉ dừng lại ở mức phim thương mại ăn khách, tính nghệ thuật hạn chế mà thị hiếu xem phim của khán giả thay đổi nhanh nên chỉ “sống” được đến giữa những năm 90. Phải đến những năm đầu của thế kỷ XXI, phim theo dòng giải trí, thương mại chú trọng yếu tố thu hút khán giả đến rạp lại bắt đầu bằng phim “Gái nhảy” của đạo diễn Lê Hoàng. Và rõ ràng bộ phim này đã tạo ra một trào lưu làm phim thương mại giải trí, trình chiếu theo mùa, tập trung vào mùa phim Tết để kéo khán giả tới rạp. Những phim này thường mang lại doanh thu cao cho nhà sản xuất và quan trọng là đã thành công trong việc kéo khán giả đến rạp chiếu phim sau thời gian dài quay lưng với điện ảnh Việt Nam…

Theo nhận định của Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh: Trong vòng một thập kỷ qua, điện ảnh Việt phát triển rõ rệt về thể loại và xu hướng làm phim. Bên cạnh các phim truyền thống thì dòng phim giải trí thương mại do các hãng phim tư nhân sản xuất, đặc biệt là phim của các đạo diễn Việt kiều ngày càng phát triển, tạo luồng sinh khí mới vào điện ảnh nước nhà. Các phim như “Thời xa vắng”, “Mùa len trâu”, “Áo lụa Hà Đông”, “Dòng máu anh hùng”, “Thiên mệnh anh hùng”… của đạo diễn Việt kiều là những dấu ấn đáng ghi nhận bên cạnh các phim truyền thống - cách mạng như “Đừng đốt”, “Mùi cỏ cháy” hay phim nghệ thuật “Chơi vơi”, “Trăng nơi đáy giếng”…Có thể nói, thập kỷ qua đã chứng kiến sự nẩy nở đa dạng của các dòng phim, sự quay trở lại khá rầm rộ của khán giả đối với phim Việt. Xã hội phát triển, nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân cũng liên tục thay đổi. Việc nâng cao chất lượng tác phẩm để các dòng phim truyền thống - cách mạng, nghệ thuật và giải trí cùng phát triển hài hòa cần thiết.

Các nhà làm phim trong nước cũng mạnh dạn, tích cực đưa phim Việt tham dự nhiều kỳ liên hoan phim quốc tế ở nhiều châu lục, thậm chí tuyển chọn các phim tham dự giải thưởng Oscar danh giá toàn thế giới. Ở các liên hoan phim quốc tế này, điện ảnh Việt Nam cũng đã bước đầu giành được một số giải thưởng. Không chỉ thế, điện ảnh nước nhà cũng đã nỗ lực ghi dấu ấn với bạn bè quốc tế bằng việc tổ chức thành công 2 kỳ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội vào năm 2010 và năm 2012. Liên hoan phim này không chỉ góp phần mở ra hướng giao lưu, hợp tác quốc tế của phim Việt ngay ở nước ta mà còn giới thiệu rộng rãi vẻ đẹp văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới…

Theo Tiến sỹ Ngô Phương Lan: Điện ảnh là ngành có tính quốc tế cao, bởi vậy với chủ trương hội nhập quốc tế của Việt Nam hôm nay và khi những người làm điện ảnh có niềm tin, có sự hào hứng, tâm huyết, say mê nghề nghiệp thì điện ảnh Việt Nam chắc chắn sẽ đứng vững, sẽ bước tiếp trên con đường hội nhập và phát triển.