Tiếp theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều 15/6 Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), với 467 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 93,78%), trong đó có 449 đại biểu tán thành (chiếm 90,16%), 14 đại biểu không tán thành (chiếm 2,81%) và 04 đại biểu không biểu quyết (chiếm 0,80%).
Trước đó, Quốc hội cũng biểu quyết nội dung thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, với 469 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 94,18%), trong đó có 389 đại biểu tán thành (chiếm 78,11%), 74 đại biểu không tán thành (chiếm 14,86%) và 06 đại biểu không biểu quyết (chiếm 1,20%). Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Kết quả biểu quyết của Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, ngày 25/5/2022, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội thống nhất cao với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật và đóng góp ý kiến vào một số điều, khoản cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Huy động nguồn lực xã hội phát triển công nghiệp điện ảnh
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc huy động thêm nguồn lực của xã hội phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Do vậy, dự thảo Luật đã quy định các chính sách huy động nguồn lực xã hội cho phát triển điện ảnh tại các khoản 2, 3, 4 Điều 5; khoản 4 Điều 17. Quy định tại điểm h, khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật đã bao hàm nội dung “trang thiết bị hiện đại”.
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Cung cấp kịch bản tóm tắt và chi tiết phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt
Liên quan đến quy định về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, có 02 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ 1: yêu cầu cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Loại ý kiến thứ 2: yêu cầu cung cấp kịch bản phim bằng tiếng Việt (đầy đủ).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Kết quả phiếu xin ý kiến cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn phương án: Kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Theo định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, việc xây dựng các chính sách phù hợp, tạo thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư làm phim nước ngoài sử dụng dịch vụ và cảnh quay phim ở Việt Nam là hết sức cần thiết, góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh, các ngành dịch vụ liên quan, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Căn cứ ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý, quy định chỉ yêu cầu cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép phân loại phim
Có ý kiến đề nghị không nên quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép phân loại phim phổ biến trên địa bàn quản lý, chỉ nên thành lập cơ quan chung có thẩm quyền cấp phép phân loại phim toàn quốc nhằm thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Có ý kiến băn khoăn về đội ngũ chuyên gia thẩm định phim ở các địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay: Xu hướng số lượng phim cần phân loại sẽ tăng cao trong thời gian tới, gây áp lực về thời gian cho các Hội đồng thẩm định, phân loại phim của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát sinh nhu cầu về phân cấp cấp Giấy phép phân loại phim. Tuy nhiên, việc phân cấp cấp Giấy phép phân loại phim cần được thực hiện thận trọng, căn cứ vào điều kiện, năng lực của các địa phương, để bảo đảm yêu cầu, chất lượng của công tác thẩm định, phân loại phim. Trên tinh thần đó và tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim khi đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quy định Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp có giá trị trong toàn quốc.
Đảm bảo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài
Về ý kiến băn khoăn quy định của dự thảo luật có đảm bảo được sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp phổ biến phim trong nước và doanh nghiệp phổ biến phim nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở đảm bảo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trong kinh doanh theo từng hình thức phổ biến phim. Cụ thể: Khi phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim và địa điểm chiếu phim công cộng, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đều phải xin cấp Giấy phép phân loại phim; Khi phổ biến phim trên hệ thống truyền hình đều phải có Quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình; Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng đều phải có trách nhiệm phân loại phim theo độ tuổi người xem, hiển thị cảnh báo và tuân thủ các quy định của Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Thống nhất một tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim.
Kiểm soát chặt chẽ nội dung phim trên không gian mạng
Về vấn đề này còn có 02 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ 1 được đa số ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức đồng tình là kết hợp biện pháp “tiền kiểm” với “hậu kiểm”. Theo đó, các biện pháp “tiền kiểm” bao gồm: Quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng, theo đó: Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp hoặc tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của Luật Điện ảnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan; quy định về tiêu chí phân loại phim, kiểm soát việc thực hiện tự phân loại phim, yêu cầu cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về danh sách phim, mức phân loại phim trước khi phổ biến. Biện pháp “hậu kiểm” bao gồm các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan, việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Phương thức kiểm soát này có ưu điểm là bảo đảm cơ chế kiểm soát linh hoạt việc phổ biến phim trên không gian mạng; vừa đề cao tính chủ động và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng, vừa gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ vào kiểm soát, ngăn chặn phim vi phạm; phù hợp với điều kiện nhân lực, tài chính, phương tiện kỹ thuật thực tế ở nước ta và xu thế quản lý trên thế giới. Về hạn chế, thực hiện theo phương án này có thể không kiểm soát tuyệt đối, phát hiện kịp thời tất cả vi phạm từ đầu mà phải tăng cường, thường xuyên rà soát, sử dụng công nghệ để “hậu kiểm” nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm như đã nêu trên.
Loại ý kiến thứ 2 đề nghị thực hiện biện pháp “tiền kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng, theo đó, tất cả phim trước khi phổ biến trên không gian mạng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Ưu điểm của phương án này là kiểm soát chặt chẽ từ đầu toàn bộ nội dung phim trước khi phổ biến, giảm thiểu các bộ phim có nội dung không phù hợp trên không gian mạng. Hạn chế của phương án này là điều kiện hiện nay về nhân lực và kỹ thuật chưa cho phép thực hiện kiểm soát tất cả phim trước khi phổ biến; số lượng phim phổ biến trên không gian mạng được dự báo rất lớn, đặt ra yêu cầu rất cao về bộ máy, nhân lực, kỹ thuật để thực hiện.
Sau phiên thảo luận tại Hội trường ngày 25/5/2022, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cho rằng loại ý kiến thứ 1 (tiền kiểm kết hợp với hậu kiểm) là phù hợp. Căn cứ đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý và quy định các biện pháp quản lý bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam hiện nay và xu thế chung của thế giới, bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ nội dung phim, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm như dự thảo Luật.
Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động...
Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh. Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023./.
Mai Anh