Phổ biến phim trên không gian mạng: Một vài suy nghĩ từ góc nhìn của công tác quản lý

28/09/2022
In trang
Internet băng thông rộng làm bùng nổ nhiều hoạt động xã hội trên không gian mạng khi người dùng có thể truy cập dữ liệu số tốc độ cao trên nhiều nền tảng dịch vụ của các thiết bị cá nhân không cố định ngày càng trở nên phổ dụng ở Việt Nam đã góp phần tác động thay đổi rõ nét hơn nhiều diện trong đời sống kinh tế-xã hội, trong đó có hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nghe nhìn, công nghệ truyền thông, điện toán đám mây, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật kết nối làm cho người xem phim có thể thỏa mãn được nhu cầu của mình ở bất cứ nơi đâu, trong nhiều hoàn cảnh và điều kiện, tạo ra những thay đổi nhanh chóng từ đó lật mở trang mới trong hoạt động phổ biến phim ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh những tác động tích cực không thể phủ nhận của hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng như góp phần nâng cao đời sống tinh thần, nghiên cứu, học tập,... hoạt động này cũng làm nảy sinh không ít những bất cập trong công tác quản lý, tác động tiêu cực tới an ninh, văn hóa và phát triển kinh tế,... không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Không ít ý kiến cho rằng, nếu không tìm được giải pháp thích hợp quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng sẽ có những tác động tiêu cực nhiều hơn tích cực đến đời sống, kinh tế-xã hội đặc biệt với hoạt động phổ biến phim truyền thống.

Tiến sĩ Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (người bên phải) phát biểu tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Phổ biến phim trên không gian mạng là việc đưa phim ở dạng dữ liệu số, truyền tải trên mạng lưới kết nối cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đến người xem. Hiện nay, ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới nhu cầu thưởng thức tác phẩm nghệ thuật thứ 7 trên internet hay xem phim trên không gian mạng ngày càng trở nên quen thuộc và gần gũi với công chúng.

Từ những năm 1950, truyền hình đã không yêu cầu người muốn xem phim phải ra khỏi nhà, nhưng rạp chiếu phim vẫn cung cấp cho người xem những yếu tố mà truyền hình từ đó cho tới nay chưa thể có được nếu chỉ nhìn về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, xem phim trên không gian mạng ngày nay nhiều phần đã thay thế được xem phim trên sóng truyền hình và người xem còn được thụ hưởng nhiều những lợi thế đặc thù mà chỉ xem phim trên không gian mạng mới có như sự tương tác (Ví dụ, phim tương tác như: Bandersnatch; Late Shift,...), lựa chọn tức thì theo nhu cầu của người xem phim,... hành vi, sở thích,... của người xem phim trên không gian mạng đều trở thành dữ liệu thông tin có giá trị để nghiên cứu, phân tích cho sự phát triển cạnh tranh “cung-cầu”.

Ngoài sự phong phú, đa dạng ở thể loại, nội dung phim, mức độ cập nhật, chất lượng kỹ thuật của thiết bị nghe nhìn như âm thanh, hình ảnh,... luôn được nâng lên nhanh chóng làm cho những khoảng trống kỹ thuật tồn tại giữa phim chiếu trên sóng truyền hình, chiếu tại rạp đã thu hẹp đáng kể để thuyết phục được cả những đối tượng khách hàng “khó tính”. Ngoại trừ những ưu điểm đó, xem phim trên không gian mạng còn có không ít những lợi thế khác biệt khi so sánh với môi trường truyền thống mà phổ biến trong xã hội hiện đại như sự riêng tư, tiện lợi khi chủ động về thời gian, đa dạng về hình thức dịch vụ, chi phí thấp,... và đặc biệt phát huy hiệu quả khi dịch bệnh Covid 19 bùng phát. 

Hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng đã có những tác động không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung và hoạt động điện ảnh nói riêng. Bên cạnh những yếu tố tích cực như đã nêu trên cũng có thể khẳng định rằng, hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng ở Việt Nam cũng mang lại không ít những vấn đề chưa từng có tiền lệ, trở thành thách thức khi tạo ra không ít những hệ lụy cho xã hội mà nguyên nhân xuất phát bởi cả hai yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Nguyên nhân khách quan: là loại hình mới nên nhiều năm chưa thực sự được quy định rõ ràng trong văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý trong thực thi công tác quản lý. Nguyên nhân chủ quan: Các quy định pháp lý chậm sửa đổi, bổ sung do nguồn nhân lực trong công tác quản lý chưa đáp ứng phù hợp, kịp thời với những đòi hỏi đổi thay từ thực tế. Công tác quản lý phim chiếu ở rạp chiếu phim, trên truyền hình về cơ bản dựa vào phương thức thẩm định và phân loại trước khi phim được phổ biến đến người xem - cơ chế hoạt động hành chính của cơ quan, tổ chức có chức năng được thực hiện khá ổn định và trở nên quen thuộc trong nhiều năm qua ở Việt Nam cũng như khá nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tuy nhiên, trên internet những yếu tố về không gian, biên giới địa lý ít hiện hữu, không có nhiều ý nghĩa nên không chỉ riêng ở Việt Nam, ngay cả ở nhiều nước phát triển cũng chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để vừa phù với thông lệ quốc tế, vừa đáp ứng đặc thù ở mỗi quốc gia trong công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng như đối với việc quản lý hoạt động phổ biến phim ở môi trường truyền thống.

Vì vậy, giải pháp nào là hữu hiệu, tích cực nhất để giải quyết được những yêu cầu đặc thù trong công tác quản trị ở mỗi quốc gia, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế đồng thời tạo thuận lợi cho sự phát triển, đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng sản phẩm văn hóa của công chúng đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng là câu hỏi cần có lời giải.

Trên thế giới, thực tế ở nhiều quốc gia khi tham gia vào hoạt động phổ biến phim dù là bên “cung” hay bên “cầu” trong các môi trường rạp chiếu phim, trên sóng truyền hình cũng như trên không gian mạng đều thuộc đối tượng chịu sự của quản lý nhà nước hay xã hội dưới những phương thức, hình thức có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp nguyên do bắt nguồn từ giác độ tiếp cận khác nhau về văn hóa. Kiểm soát nội dung phim trước khi đưa đến người xem thông thường ở hai dạng thức chính như sau: Một là, phân loại phim theo quy định hành chính; Hai là, phân loại phim theo hình thức tự nguyện.

Ở Hoa Kỳ, phân loại phim là tự nguyện, phi hành chính và cũng không đại diện quản lý của Chính phủ nhưng được thực hiện một cách phổ dụng nhất trong toàn liên bang từ năm 1968 do Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) sau khi có không ít những bất cập xuất phát từ những quy định hành chính khác nhau đã từng được áp dụng cho việc phổ biến phim trong nhiều bang ở quốc gia này. Mặc dù, chưa tìm được cách thức nhất quán nhưng nhiều nền tảng phổ biến phim trực tuyến ở Hoa Kỳ sử dụng kết quả, áp dụng phân loại phim theo dạng thức này kết hợp với những biện pháp kỹ thuật khác để quản lý khách hàng của mình.

Tại Pháp, theo quy định của Luật công nghiệp điện ảnh Pháp  trước khi phim được chiếu tại rạp, phải có giấy phép (visa d’exploitation) do Hội đồng phân loại phim của Trung tâm Điện ảnh và Hình ảnh Chuyển động Quốc gia Pháp  (CNC) cấp. Phim phổ biến trên không gian mạng áp dụng phân loại độ tuổi tương tự hay kết quả phân loại phim chiếu rạp nhưng tác động kinh tế của nó đến hoạt động điện ảnh truyền thống mới là vấn đề thu hút được sự quan tâm của các nhà quản lý.

Ở Trung Quốc, Luật số 54 năm 2016 Xúc tiến phát triển công nghiệp điện ảnh Trung Quốc quy định về việc thẩm định phim trước khi cấp giấy phép phổ biến. Điều 20 Luật này quy định “Phim chưa được cấp phép phổ biến thì không được phát hành, trình chiếu, phát trên mạng internet, mạng viễn thông, mạng phát thanh, truyền hình, mạng thông tin khác và không được sản xuất thành sản phẩm nghe nhìn” - có nghĩa là muốn phim phổ biến trên không gian mạng thì phải được cấp phép để bình đẳng với các hình thức phổ biến khác. Trong nhiều năm qua, phim được phổ biến ở Trung Quốc thường được xếp loại theo chủ đề nông thôn, quân đội hay thành thị và không vi phạm các điều cấm của Điều 16 là được phép phổ biến và chưa áp dụng phân loại như hệ thống phân loại phim quốc tế. Tất cả các trang web, nền tảng phát phim trực tuyến và truyền hình nước ngoài phải đăng ký trước nội dung theo kế hoạch định kỳ để được Cục Quản lý Nhà nước về Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (SAPPRFT)  thẩm định, cấp phép theo quy định chi tiết tại Thông tư 204 năm 2014.

Tại Sigapore, việc thẩm định nội dung phim do chính phủ quy định và ủy quyền cho Cơ quan Phát triển Truyền thông (IMDA)  phân loại theo Luật phim (the Films Act) để hạn chế tác động tiêu cực tới xã hội tập trung ở những phim có nội dung đề cập về chính trị, chủng tộc, tôn giáo, đồng tính đồng thời và các bộ phim, vật phẩm liên quan tới phim để phát hành, phổ biến, trưng bày ở Singapore đều phải được phân loại và dán nhãn hiển thị rõ ràng trước khi đưa đến công chúng. Những bộ phim bị từ chối phân loại sẽ bị cấm sở hữu, lưu hành. Vi phạm những quy định của Luật có thể sẽ bị phạt hành chính hoặc phạt tù (quy định tại Điều 29; 30; 31 của Luật phim). Chính phủ Singapore quy định, hoạt động phổ biến phim trực tuyến của các bên cung cấp dịch vụ nội dung (ISP) cũng phải tuân thủ theo tiêu chí thẩm định, phân loại của IMDA.

Qua việc khảo sát trên cho thấy có khá nhiều nét tương đồng, nhất quán khi phần nhiều xác định hoạt động phim phổ biến trên không gian mạng là đối tượng cần quản lý và về cơ bản, phim trước khi được phổ biến đến người xem đều được phân loại nhưng với phương thức, tiêu chí, cách thức tiếp cận từ nhận diện về văn hóa khác nhau nên mục đích, yêu cầu của công tác quản lý cũng khó có thể áp dụng dập khuôn, máy móc như nhau.

Ở Việt Nam, hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng được xác định tại Luật Điện ảnh số 6/2/2006/QH11 nhưng trên thực tế, hoạt động này mới được thực định rõ ràng và cụ thể hơn tại Luật Điện ảnh số 5/2022/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023. Chính vì vậy, tính mới hiện hữu đậm nét trong công tác quản lý của hoạt động này. 

Nghiên cứu luôn là liên kết và thể hiện được vai trò của nền tảng cơ sở, chỗ dựa vững chắc hoạt động quản lý. Mặc dù, hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng từ hơn nửa thập kỷ trở lại đây nhận được nhiều sự quan tâm hơn của các nhà quản lý, nghiên cứu và công chúng ở trong nước từ nhiều góc nhìn tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu chuyên sâu hay độc lập về hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng rất hiếm được tìm thấy trong các ấn phẩm xuất bản ở dạng sách in và về công tác quản lý hoạt động này còn hiếm hơn cho dù chỉ là đề cập mờ nhạt hay thoáng qua.

Trên một số tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Điện ảnh, Tuyên giáo,... xuất hiện công trình của một số nhà quản lý, nhà nghiên cứu về xem phim, phổ biến phim trên không gian mạng và những tác động của nó đối với đời sống kinh tế-xã hội, giá trị văn hóa truyền thống, công tác quản lý nhà nước như: Nguyễn Thu Hương (2016), “Vấn đề bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh trên internet”; Lê Thị Nam Giang (tham luận tại Hội thảo Bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số tại Việt Nam) (2018), “Những thách thức về mặt pháp lý trong việc bảo hộ quyền tác giả trong môi trường internet”,... Nhiều hơn là các bài viết trên các báo điện tử, website như Tổ quốc, Công an nhân dân, Thanh Niên,... với nội dung phản ánh mặt trái của hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng, đan xen phân tích về những bất cập, sự thiếu sót trong việc kiểm soát, điều tiết hoạt động này dẫn đến những hệ lụy cho xã hội như: Nguyễn Hương (2014), “Phim rác trên internet: khó kiểm soát”; Thụy Khuê (2018), “Phim phát hành trên internet: Lối thoát cho đề tài nhạy cảm”; Mỹ Trân (2019), “Nan giải quản lý phim trên internet”,...

Ngoài các công trình nghiên cứu, bài viết trên tạp chí, báo như nói trên, trong hai thập kỷ vừa qua, một số tọa đàm, hội nghị-hội thảo khoa học đã được tổ chức để các nhà quản lý, các chuyên gia và nhà nghiên cứu tiếp tục luận bàn về hoạt động này. Nhiều tổ chức, bộ ngành đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với chức năng quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực đã tổ chức các hội thảo, tọa đàm trong các năm như năm 2012, “Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động phát hành - phổ biến phim giai đoạn 2012-2015”; 2018, “Bảo hộ bản quyền tác giả trong môi trường số tại Việt Nam” ; 2019, “Tác động của cách mạng công nghệ lần thứ 4 vào lĩnh vực điện ảnh”; 2020, “Điện ảnh cần vận hành theo quy luật phát triển của nền công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh với nội dung là hướng thiện, nhân văn, đồng thời chú ý đến nhu cầu và sự tương tác của khán giả xem phim, chú ý đến yếu tố thị trường”,... 

Nhu cầu xem phim trên intenet ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể, số lượng nền tảng ứng dụng xem phim trực tuyến, ngoại tuyến, website phổ biến phim trên internet làm bùng nổ thị trường phổ biến phim trực tuyến. Nhiều người xem phim trực tuyến trong nước biết đến các nhà cung cấp phim nội địa như Vie Channel, FPT Play, Galaxy Play, VTV Go, MyTV, ViettelTV,... và ngoài nước như Netflix, iQiYi, WeTV, Amazon Prime Video, Apple TV, MangoTV,.... Kho phim của các nhà cung cấp phim trên nền tảng trực tuyến khá đa dạng, nhiều kho phim thường xuyên được bổ sung mới, có thể có tới hàng trăm, hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn bộ phim tương ứng với hàng triệu giờ xem có thể đáp ứng phong phú nhu cầu của khách hàng chưa kể tới phim trên các website bất hợp pháp. 

Một số tác động không tích cực được nhận diện từ góc nhìn của công tác quản lý ở Việt Nam của người viết tham luận đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng gồm:

Thứ nhất, một số hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý lĩnh vực, chuyên ngành đang được áp dụng, thực thi không theo kịp sự đổi thay nhanh chóng, thường xuyên của công nghệ nên không còn ổn định, xuất hiện khoảng trống pháp lý dẫn đến phát sinh bất cập trong công tác quản lý đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung;

Thứ hai, nguồn nhân lực hiện tại trong công tác quản lý phải bổ sung, đổi mới nâng cao năng lực, trình độ để thích ứng được thay đổi này; các thiết bị công nghệ hỗ trợ cho công tác quản lý phải trang bị mới, nâng cấp để đồng bộ, hiện đại hóa phục vụ cho nhu cầu quản lý mới; 

Thứ ba, hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng làm tăng mức độ bão hòa về nhu cầu phim, tăng tỉ lệ phim nước ngoài phổ biến ở thị trường nội địa gây ra những xáo trộn, gia tăng thêm áp lực không tích cực đối với hoạt động phổ biến hiện tại ở phim Việt Nam, tạo ra cản lực cho sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc theo chủ trương, đường lối phát triển văn hóa của Đảng và nhà nước;

Thứ tư, làm thay đổi đáng kể thói quen nhu cầu xem phim tại rạp và trên sóng truyền hình dẫn đến tác động không tốt tới hoạt động kinh doanh và trở thành nguy cơ ngừng việc thậm chí là nguyên nhân mất việc làm của lao động ở môi trường này; 

Thứ năm, có thể gia tăng số lượng các vụ việc khiếu nại có liên quan tới thị trường, bản quyền, dữ liệu cá nhân, công nghệ,... phát sinh trong hoạt động thương mại giữa tổ chức và cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước; 

Thứ sáu, trên không gian mạng, không gian, thời gian mang tính mở, yếu tố biên giới địa lý ít hiện hữu nên nhiều tổ chức ngoài nước cung cấp phim đến người xem tại Việt Nam trong thời gian qua đa số là phim chưa được thẩm định, phân loại theo quy định của Luật điện ảnh Việt Nam và trong số đó có không ít phim vi phạm pháp luật của Việt Nam gây ra nhiều tác động tiêu cực và hệ lụy không dễ dàng định lượng được trên nhiều phương diện. (Ví dụ, Phim “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta” (Put Your Head On My Shoulder), phim “Bà Ngoại trưởng” (Madam Secretary),... đặc biệt có những phim được thực hiện theo góc nhìn khác không đúng về lịch sử đấu tranh cách mạng bảo vệ tổ quốc như phim tài liệu “Chiến tranh Việt Nam” (The Vietnam War),... của Netflix hay nhiều phim trên trang website phimmoi.net,...).

Gần một thập kỷ vừa qua, hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng phát triển mạnh mẽ nhưng nhiều yếu tố tự phát còn tiếp diễn, chưa thấy rõ được sự thay đổi, vai trò định hướng và điều tiết của nhà nước so với những buổi ban đầu khi mới vào Việt Nam. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có những bất cập từ cơ sở pháp lý, công tác quản lý nên thiếu vắng sự điều chỉnh kịp thời và phù hợp. Vì vậy, không ít những phim có nội dung không phù hợp, vi phạm pháp luật của Việt Nam vẫn đến được tới người xem, tác động không tích cực, gây ra không ít những hệ lụy cho xã hội. Trong khi đó, nhiều phim Việt Nam đặc biệt là phim sử dụng ngân sách nhà nước có chất lượng tốt ở nhiều diện nhìn lại chưa phát huy được tối ưu hiệu quả khi chưa đến được gần với người xem như cách mà các nền tảng phổ biến phim trực tuyến đã thực hiện được.

Đại hội X của Đảng khẳng định: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”  trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Từ năm 2014, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển Điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 trong đó xác định, từng bước phấn đấu xây dựng ngành điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế. Hoạt động phát hành, phổ biến phim trong đó có phát hành, phổ biến phim trên không gian mạng là một trong những mắt xích quan trọng của điện ảnh trong việc phát triển kinh tế.

Vì vậy, Bộ VHTTDL xác định Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến cần được thành lập và sớm đi vào vận hành sẽ giữ vai trò chủ đạo, cơ sở vững chắc để định hướng, điều tiết cho hoạt động phổ biến phim nói chung và hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng nói riêng đồng thời là môi trường tuyệt vời để phát huy mạnh mẽ hiệu quả của điện ảnh giúp cho điện ảnh Việt Nam có được vị trí đúng đắn hơn khi hòa nhập với điện ảnh thế giới. 

“Phổ biến phim trên không gian mạng, một vài suy nghĩ từ góc nhìn của công tác quản lý” với mục đích luận bàn về một mảng ghép trong bức tranh toàn cảnh của hoạt động phổ biến phim đã thu hút không ít sự quan tâm của công chúng, nhà quản lý, học giả nhưng chưa có nhiều công trình nghiên cứu chuyên biệt trong xuất bản phẩm ở Việt Nam. Trong phạm vi giới hạn và những tư duy có phần chủ quan, từ một số trải nghiệm thực tế trong quá trình công tác người tác giả đã nêu ra những nhận định có thể còn phiến diện khi luận giải, có thể chưa làm sáng tỏ ý kiến của mình nhưng mong được góp ý xây dựng để tiếp thu, điều chỉnh hoàn thiện./.

TS. Đỗ Quốc Việt

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh
 


 

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan