Phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam như thế nào?

29/01/2023
In trang
Đầu năm 2023, điện ảnh Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ hoạt động với hành lang pháp lý có nhiều điểm mới. Nói cụ thể hơn, Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1.1.2023 sẽ đem đến cơ hội mới cho sự phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua (ngày 15.6.2022) tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển công nghiệp điện ảnh

Cách đây gần chục năm, thuật ngữ “Công nghiệp điện ảnh” chưa thông dụng ở Việt Nam. Người ta hay dùng các cụm từ “Nền điện ảnh Việt Nam”, hay “Ngành điện ảnh Việt Nam”. Khi nói về một bộ phim, người ta cũng thường dùng thuật ngữ là “tác phẩm điện ảnh” chứ không mấy khi xem đó là một sản phẩm của công nghiệp điện ảnh, càng không coi nó là một thứ hàng hóa đặc biệt. Luật Điện ảnh 2006 xây dựng chủ yếu trên cơ sở quan niệm “Điện ảnh là ngành nghệ thuật”. Thực tế, điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp. Công nghiệp điện ảnh là xu thế phát triển tất yếu ở các nước, là bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa. Bởi vậy, thật mừng khi Luật Điện ảnh 2022 đã đưa khái niệm “Công nghiệp điện ảnh” vào phần quan trọng là giải thích từ ngữ, đồng thời có nhiều điểm mới để đạt được mục tiêu cốt lõi là phát triển công nghiệp điện ảnh.

Nét mới trong Luật Điện ảnh sửa đổi

Ngày 15.6.2022, tại Kỳ họp thứ III, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Điện ảnh sửa đổi với hơn 90% số phiếu tán thành (449/467 phiếu). Điểm mới cốt lõi nhất là Luật coi phát triển điện ảnh chính là xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Bên cạnh đó là các điểm mới về nguyên tắc, chính sách sản xuất, phát hành - phổ biến phim và quảng bá điện ảnh. Cụ thể:

Về nguyên tắc hoạt động điện ảnh, trong Điều 4 có các khoản quy định: “Bảo đảm sự bình đẳng, cạnh tranh công bằng của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh”; “Phát triển công nghiệp điện ảnh phù hợp quy luật thị trường và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Như vậy, Luật quy định các tổ chức, cá nhân cũng có quyền góp phần phát triển công nghiệp điện ảnh một cách bình đẳng như các cơ quan, nghĩa là không có sự phân biệt giữa cơ sở của Nhà nước và tư nhân. Nguyên tắc này nếu được thực hiện một cách xuyên suốt thì sẽ có cơ hội huy động các nguồn nhân lực, vật lực của xã hội để phát triển điện ảnh.

Về chính sách của Nhà nước, Điều 5 quy định: “Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”. Đây là lần đầu tiên môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường điện ảnh được sự quan tâm của Luật, thậm chí được Luật hóa rõ ràng - “Nhà nước sẽ có chính sách để huy động các nguồn lực” - để xây dựng công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các chính sách này, chắc chắn sẽ còn phải mất một thời gian, mà lâu hay nhanh phụ thuộc vào việc có triển khai tích cực và khoa học hay không từ phía các cơ quan có trách nhiệm trong việc soạn thảo các văn bản dưới luật rồi đưa nó vào cuộc sống.

 Phát triển công nghiệp điện ảnh gắn liền với phát triển thị trường điện ảnh để tái sản xuất phim, tạo ra các sản phẩm điện ảnh - hàng hóa đặc biệt - vừa có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh, vừa có hiệu quả kinh tế - xã hội. Theo đó, nói phát triển Công nghiệp điện ảnh Việt, trong đó các khâu quan trọng nhất là sáng tạo và sản xuất phim; phát hành, phổ biến phim và phát triển thị trường điện ảnh; quảng bá, xúc tiến phát triển công nghiệp điện ảnh. Những khâu này đều được quy định bằng những điểm mới trong Luật Điện ảnh.

 Trong khâu sáng tác và sản xuất phim, có sự bình đẳng giữa các tổ chức cá nhân, không phân biệt hãng phim Nhà nước và tư nhân. Các hãng phim đều được tham gia sản xuất phim đặt hàng khi họ xây dựng kịch bản và dự án làm phim đúng chủ đề, tiêu chí quy định trong Luật và kịch bản được Hội đồng thẩm định kịch bản của chủ đầu tư phê duyệt (thông dụng nhất là Hội đồng do Bộ VHTTDL thành lập và Cục Điện ảnh làm thường trực, cùng Hội đồng của cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ và cơ quan ngang Bộ, các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, UBND cấp tỉnh).

Bên cạnh phim sản xuất trong nước, việc hợp tác sản xuất phim và cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho nước ngoài cũng có sự đổi mới đáng kể. Các hãng phim nước ngoài vào quay phim tại Việt Nam chỉ nộp tóm tắt kịch bản và phần chi tiết kịch bản quay tại Việt Nam thay vì nộp toàn bộ kịch bản như quy định cũ. Về chính sách ưu đãi cho phim nước ngoài quay tại Việt Nam, Điều 41 Luật quy định: “Tổ chức nước ngoài sản xuất phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế”. Ưu đãi đối với các đoàn làm phim rất phổ biến trên thế giới. Hầu hết các nước đều quy định mức ưu đãi cho các đoàn làm phim khoảng 20-35%, (nghĩa là tiền hoàn lại cho đoàn làm phim chi phí tại địa phương): Nhật là 20%, Australia 30%, New Zealand từ 20% và lên đến 40% đối với phim đồng sản xuất, Anh 25%, Đức 25%, Pháp 30-40%, Tây Ban Nha 30%, Hy Lạp 40%... Các bang ở Mỹ có mức ưu đãi 20-25%, cá biệt đến 30% (như Kentucky, Illinois, Washington, Ohio), hoặc 35% (Oklahoma, Columbia), thậm chí có thể lên đến 40% (Pueto Rico, New York, Louisiana). Các nước và vùng lãnh thổ khác trên thế giới, trong đó có cả các nước Đông Nam Á, đều có ưu đãi ít nhất 15%. Cùng là Đông Nam Á, bối cảnh Việt Nam còn có phần hấp dẫn hơn nhưng nhờ có ưu đãi hoàn tiền mặt và các loại phí mà Thái Lan hằng năm đón hàng trăm đoàn vào quay phim, còn chúng ta trong dăm năm nay, từ sau phim Kông - Đảo đầu lâu không có được dự án phim nước ngoài nào đáng kể.

Rõ ràng, cung cấp dịch vụ và hợp tác sản xuất phim với nước ngoài giữ vị trí quan trọng để phát triển công nghiệp điện ảnh. Điều này thấy rõ khi có rất nhiều phim được sản xuất từ sự hợp tác, trở thành sản phẩm điện ảnh đa quốc gia; rất nhiều nước thu lợi lớn từ các ngành dịch vụ và du lịch khi đón các phim “bom tấn” quay tại nước mình, đồng thời phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo và nâng cao kỹ năng và tay nghề, nguồn nhân lực điện ảnh tinh thông. Tuy nhiên, nếu chúng ta không cụ thể hóa được những chính sách và “niêm yết” rõ ràng tỷ lệ ưu đãi đối với các dự án phim hợp tác và dịch vụ như ở các nước khác thì Việt Nam vẫn chỉ là “vùng đất tiềm năng” không biết đến bao giờ…

Hy vọng bối cảnh làm phim hấp dẫn cùng với hành lang pháp lý thông thoáng sẽ thu hút được nhiều dự án phim nước ngoài vào Việt Nam

Về phát hành, phổ biến phim, lần đầu tiên Luật quy định chế độ “tiền kiểm” kết hợp “hậu kiểm” thay vì chỉ “tiền kiểm” như trong Luật hiện hành. Bên cạnh việc vẫn thẩm định và cấp phép phân loại, phổ biến phim đối với các tác phẩm chiếu ở rạp và trên truyền hình (tiền kiểm) thì Điều 21 quy định: “Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Như vậy có nghĩa là các tổ chức, doanh nghiệp được phép tự thẩm định, phân loại để phổ biến trên mạng theo quy định. Điều này phù hợp với xu thế phát triển chung của điện ảnh, đồng thời quy định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp khi phổ biến phim phải tuân thủ nghiêm túc Điều 9 trong Luật về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh.

Một điểm mới tạo điều kiện thông thoáng cho phát hành, phổ biến phim là ngoài Bộ VHTTDL, Điều 27 quy định: “UBND cấp tỉnh được cấp Giấy phép phân loại phim khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL”. Như vậy, UBND cấp tỉnh được phép thành lập Hội đồng thẩm định, phân loại và cấp phép các loại hình phim, thay vì quy định hiện hành là tỉnh chỉ được cấp phép các loại hình tài liệu, khoa học và hoạt hình. Điểm mới này tạo sự chủ động về thời gian và địa lý cho các nhà sản xuất và phát hành, đồng thời tránh sự quá tải cho Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện của Bộ VHTTDL.

Luật Điện ảnh 2022 có một chương mới (Chương VI) về quảng bá và xúc tiến phát triển điện ảnh. Điều 37 Chương này quy định: “Xây dựng, quảng bá thương hiệu điện ảnh quốc gia, vùng, địa phương, doanh nghiệp; nghiên cứu, phát triển thị trường điện ảnh trong nước và nước ngoài”. Thương hiệu và thị trường thực sự là những yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp điện ảnh mà Luật hiện hành chưa đề cập đến. Tiếp theo, quy định trong Điều 38 trở thành chất xúc tác cho sự phát triển công nghiệp điện ảnh, đó là: Cơ quan nhà nước ở Trung ương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức khác đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ được tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam. Như vậy, mở rộng các cơ quan, đơn vị ngoài Bộ VHTTDL được tổ chức các sự kiện điện ảnh (quốc tế và trong nước) chính là động lực phát triển thương hiệu điện ảnh, đặc biệt là đã khuyến khích được các nguồn lực ngoài Nhà nước chung tay xây dựng thương hiệu điện ảnh Việt, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng vì chúng ta đem tinh hoa điện ảnh thế giới với công chúng Việt Nam và giới thiệu những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, giới thiệu bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tới thế giới.

Cách đây 27 năm, Liên hoan phim Busan 1995 lần đầu tiên được tổ chức rất khiêm tốn tại một thành phố không mấy nổi tiếng ở Hàn Quốc, khi điện ảnh Hàn Quốc mới bắt đầu trào lưu mới. Nhưng sự kiện đó đã đồng hành với sự lớn mạnh của điện ảnh Hàn Quốc, vô số phim xuất sắc của xứ sở Kim chi và các nền điện ảnh trên thế giới quy tụ về đây. Thành phố Busan giờ đã được cả thế giới biết đến, thu hút du lịch nhất nhì Hàn Quốc. Liên hoan phim Busan trở thành một trong những sự kiện điện ảnh hàng đầu của châu Á; công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc phát triển nổi bật nhất châu Á và thuộc top đầu thế giới cả ở sự thành công của các tác phẩm điện ảnh đỉnh cao lẫn sự tăng trưởng thị phần. Sự phát triển của công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc và của Liên hoan phim Busan có thể xem là bài học kinh nghiệm gần gũi cho Việt Nam.

Xuân Quý Mão đến cũng là lúc Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực. Hy vọng Luật mới sẽ sớm được triển khai vào cuộc sống, đem lại những tín hiệu vui và niềm tin vào sự thuận lợi, thông thoáng để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

“Về chính sách của Nhà nước, Điều 5 quy định: “Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”. Đây là lần đầu tiên môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường điện ảnh được sự quan tâm của Luật, thậm chí được luật hóa rõ ràng - “Nhà nước sẽ có chính sách để huy động các nguồn lực” - để xây dựng công nghiệp điện ảnh”.

Theo Báo Văn hóa

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan