Cùng tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt. Hội nghị cũng có sự tham gia của lãnh đạo UBND 23 tỉnh, thành; lãnh đạo các Tổng Cục, Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ và các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin,Thể thao và Du lịch.
Trình bày báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực VHTTDL, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nêu rõ, các lĩnh vực công tác đã được tập thể lãnh đạo Bộ chỉ đạo "từ sớm, từ xa", trên tinh thần không né tránh, luôn nhìn thẳng vào những vấn đề còn hạn chế, tồn tại để có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Qua đó, các nhiệm vụ phát triển Ngành cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng theo Kế hoạch đề ra.
Để triển khai hiệu quả các Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ VHTTDL tiếp tục thực hiện phương châm hành động "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến", phát động và triển khai chủ đề công tác năm 2022 "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ" với tinh thần quyết tâm, quyết tâm hơn nữa, để cùng với các ngành, các cấp từng bước hiện thực hóa mục tiêu chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam.
Về thể chế, Bộ chủ động tham mưu Chính phủ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Ba; tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); phối hợp hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan; tham gia ý kiến dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi).
Đối với thể thao, SEA Games 31 được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Du lịch chính thức mở cửa lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 và phục hồi nhanh tại các địa bàn trọng điểm, khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đạt 413.000 lượt khách, khách nội địa đạt 60,8 triệu lượt (vượt chỉ tiêu 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm). Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được chú trọng, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm, chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức bên cạnh những thuận lợi cơ bản. Tuy nhiên, toàn ngành đã cùng vượt khó, tạo nên nhiều dấu ấn đáng trân trọng.
Bộ trưởng hy vọng, trên tinh thần nói thẳng nói thật, đánh giá đúng thực chất, các đại biểu sẽ đóng góp các ý kiến xác đáng để tìm các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch toàn ngành năm 2022 đã được Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trên tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, trách nhiệm, các ý kiến tại Hội nghị đã không chỉ dừng lại ở chỉ ra những kết quả đã làm được mà còn thẳng thắn nêu những việc phải thực hiện trong thời gian tới, kiến nghị đề xuất với lãnh đạo Bộ để tháo gỡ khó khăn với quyết tâm chính trị cao nhất là xây dựng ngành VHTTDL ngày càng vững mạnh, định vị vị trí và thương hiệu của Bộ trong mối tương quan với các Bộ, ngành; tiếp tục làm rõ và xác định trách nhiệm đặt văn hoá ngang hàng với kinh tế và chính trị.
Cũng theo Bộ trưởng, trong 6 tháng đầu năm toàn ngành đã gặt hái được những thành công, trong đó có những điểm sáng quan trọng. Thành công bước đầu rõ nét là đã chuyển tư duy từ làm văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hoá, bám sát định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế. 4 bộ luật trong đó có 2 bộ luật do Bộ chủ trì, 2 bộ luật do Bộ phối hợp đã được Quốc hội thông qua, có bộ luật đã cho ý kiến để thông qua tại kỳ họp tới. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đã tạo điều kiện để ngành thực thi công việc của mình bằng công cụ pháp luật, hướng tới tạo nguồn lực cho sự phát triển.
Điểm nhấn quan trọng khác là ngành đã tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền, các địa phương nâng cao nhận thức về văn hoá, đặt văn hóa ngang với chính trị và kinh tế, để có sự đầu tư thoả đáng hơn cho văn hoá. “Điều cần trân trọng là không chỉ những địa phương có điều kiện về ngân sách mà nhiều địa phương khó khăn cũng đã tăng tỉ lệ đầu tư cho văn hóa. Đó là dấu ấn đẹp. Nhiều địa phương cho biết mức chi cho văn hoá đã vượt mức 4% tổng chi ngân sách địa phương…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho rằng, việc nhìn lại kết quả 6 tháng đầu năm cũng để thấy rằng, còn có nhiều khó khăn phía trước. Đang có nhiều khoảng cách, chênh lệch, đâu đó vẫn còn tình trạng tham mưu chưa thật đúng,thật trúng. Cơ chế phối hợp tạo nguồn lực và sức mạnh tổng hợp vẫn đang là điểm nghẽn cần khơi thông. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn lãnh đạo các cấp, lãnh đạo các đơn vị, địa phương dành nhiều thời gian hơn để kiểm tra, đeo bám,tham mưu. Ý tưởng tốt chưa đủ, cần sự quyết liệt để thực hiện những nhiệm vụ, công việc của mình.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng yêu cầu, các hoạt động đã được phê duyệt cần rà soát, xem xét các đầu việc đã làm được bao nhiêu, còn bao nhiêu cần quyết tâm thực hiện, không được “đánh trống bỏ dùi”. Phải chuyển hoá kế hoạch trên bàn giấy thành các việc làm thiết thực. Đầu tiên là hướng vào xây dựng thể chế. Đây là khâu mà Bộ đang thiếu và yếu, cần phải dành nhiều thời gian và công sức. Trong đó, phải tiếp tục hoàn thiện chương trình tổng thể về chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Đây là chương trình được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm. Các địa phương cần phải đóng góp những gì để sau khi Đề án được ban hành, sẽ có được bóng dáng các địa phương trong đó.
Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo các tỉnh chú ý rà soát, đồng hành cùng Bộ thông qua 6 nhóm nhiệm vụ thuộc Đề án một cách sát, trúng, đúng yêu cầu. Một nhiệm vụ nữa là tập trung hoàn thiện qui hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao để tích hợp chung vào Quy hoạch tổng thể quốc gia. Khi có mạng lưới qui hoạch đầy đủ, sẽ có cơ sở để thực thi chính sách, từ đó mới đầu tư, phân kỳ từng giai đoạn; nếu không sẽ manh mún, thậm chí phản tác dụng.
Bộ trưởng nhấn mạnh, một vấn đề trong thể chế nữa là quy hoạch về điểm đến và khu du lịch: “Chúng ta vui mừng khi trong 6 tháng đầu năm đã chứng kiến du lịch bùng nổ trở lại. Du lịch nội địa được xác định làm bệ đỡ cho du lịch Việt Nam, nhưng về lâu dài thì cần phải dựa trên Quy hoạch này mới thu hút đầu tư, tạo ra sản phẩm. Không ai khác là các Sở, các địa phương có tiềm năng du lịch phải đánh thức tiềm năng du lịch. Tổng cục Du lịch cần ráo riết, mạnh dạn để tổ chức thực hiện và sớm trình Chính phủ”.
Lưu ý nhóm thể chế thứ ba là phải tổng kết Nghị quyết 08 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020, Bộ trưởng nêu, từ Nghị quyết của Bộ chính trị để xây dựng Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó phải chú ý đến đề án về thể thao thành tích cao. Có như vậy mới có được màu cờ sắc áo ở đấu trường quốc tế.
“Đây là hai công việc quan trọng mà 2 Tổng cục cần xuất phát từ thực tiễn, đồng hành cùng các địa phương để xây dựng, thúc đẩy. Chúng ta cùng nhau đi và sẽ cùng nhau đến đích…”, Bộ trưởng phát biểu.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao các điểm sáng về du lịch của TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá và cho biết trong thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu để có thêm các điểm đến an toàn, có thêm sản phẩm mới về du lịch. Trong môi trường văn hoá cơ sở, theo Bộ trưởng phải chú ý đến văn hoá nghệ thuật, làm sao để có nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhiều chương trình lưu diễn hay phục vụ khán giả. Đánh giá cao các Nhà hát thuộc Bộ, Bộ trưởng cho rằng các Nhà hát đã có nhiều sáng kiến vượt qua khó khăn, như việc chuyển đổi số để đưa sân khấu tới gần hơn tới khán giả trong giai đoạn dịch bệnh; các chương trình nhà hát online, nhà hát truyền hình đã phục vụ tốt khán giả và cần được khởi động trở lại.
Lãnh đạo Bộ cũng trăn trở về việc làm sao để có những tác phẩm sống mãi với thời gian và cho biết, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức các trại sáng tác để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ sáng tác… “Chúng ta phấn khởi về những kết quả đã đạt được đồng thời cũng còn trăn trở về những gì còn bức xúc. Từ đó để tìm kiếm giải pháp thực hiện. Tôi hy vọng, sau Hội nghị, công việc của ngành sẽ tốt hơn, kết quả của 6 tháng sau sẽ tốt hơn”, Bộ trưởng khẳng định.
TH