Hội nghị tham vấn chuyên gia góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi)

09/06/2021
In trang
Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện Luật Điện ảnh và góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 13.4 tại Hà Nội. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng , PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh; Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hoa, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị.

Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện Luật Điện ảnh và  góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Hà Nội

Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Ban, Bộ, ngành, các chuyên gia, nhà làm phim, lãnh đạo một số Sở VHTTDL, Sở VHTT khu vực phía Bắc...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, Luật Điện ảnh được ban hành năm 2006, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động điện ảnh phát triển.

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu khai mạc

 Theo PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, trong những năm qua, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tác động làm thay đổi từ phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim đến nhu cầu, cách tiếp cận, hưởng thụ tác phầm điện ảnh của người dân. “Thực tế đó đòi hỏi một đạo luật mới về điện ảnh ra đời nhằm Luật hóa chủ trương của Đảng, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh phù hợp thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam...”, ông Nguyễn Đắc Vinh khẳng định. 

Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10.2021) và thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6.2022). Để chuẩn bị cho công tác thẩm tra Dự án Luật, thời gian vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức làm việc với Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành liên quan; làm việc với các tổ chức hiệp hội về điện ảnh; khảo sát thực tiễn tại một số địa phương và một số cơ sở điện ảnh trong cả nước.

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông  báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện ảnh;  quan điểm xây dựng Luật Điện ảnh  (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu thực tiễn 

Tại Hội nghị tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý... về thực trạng hoạt động điện ảnh và góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình thi hành Luật Điện ảnh và góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), với các nội dung cụ thể: phạm vi điều chỉnh và các khái niệm; chính sách của nhà nước đối với hoạt động điện ảnh; phân cấp, phối hợp trong quản lý nhà nước về điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước; thẩm định, phân loại, cấp phép phổ biến đối với từng dòng phim (phim chiếu rạp, phim phát sóng trên truyền hình, phim phổ biến trên môi trường mạng)...
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, mục đích tổng quát của việc xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) hướng đến xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao, tương thích với các bộ luật, pháp luật quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia.

Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu 

Theo Thứ trưởng, những năm qua, việc thực thi những quy định pháp luật về điện ảnh đã tạo thuận lợi cho bước tiến nhanh và mạnh của ngành, đóng góp vào phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước. Trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm sản lượng phim Việt Nam được sản xuất từ 35- 44 phim. Số lượng phim do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất  không ngừng tăng về số lượng, quy mô. Về hợp tác sản xuất phim, cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài, từ năm 2007- 2020, mỗi năm thực hiện 25- 35 dự án làm phim tại Việt Nam, trong đó có những phim bom tấn Hollywood như Kong: Đảo đầu lâu, góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam và xúc tiến du lịch. 
Cơ sở vật chất của hoạt động phát hành và phổ biến phim phát triển mạnh với hệ thống 204 cụm rạp, 1.050 phòng chiếu phim, hơn 148.500 ghế, doanh thu chiếu bóng đến cuối năm 2019 đạt hơn 4.000 tỉ đồng. Hiện nay, trong tổng số các phòng chiếu, số phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế nhà nước chiếm gần 20%, thành phần tư nhân chiếm trên 80%. 

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL nêu ý kiến

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết, trên tinh thần kế thừa các quy định còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập của Luật Điện ảnh và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Điện ảnh (sửa đổi) được xây dựng nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tạo cơ sở và khung pháp luật cần thiết cho hoạt động điện ảnh. Luật sửa đổi phải có nội dung phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực văn hoá,… thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng; phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam; đồng thời  thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ mối quan tâm với những nội dung của Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Nhiều ý kiến tại Hội nghị  bày tỏ quan tâm đến những vấn đề nổi bật trong thực trạng hoạt động điện ảnh Việt Nam hiện nay như: sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước; phát hành và phổ biến phim; xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong hoạt động điện ảnh; bản quyền trong hoạt động điện ảnh...

Sau Hội nghị khu vực phía Bắc, Hội nghị tham vấn chuyên gia sẽ được tổ chức tại khu vực phía Nam vào ngày 20.4.2021.

 

Theo PHƯƠNG ANH, ảnh: TRẦN HUẤN báo Văn Hóa

Tin tức liên quan