Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc
Khẳng định Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu, dự thảo Luật cần được “thiết kế”, rà soát, hoàn thiện đảm bảo tính khoa học, khả thi, thể chế hóa quan điểm đường lối của Đảng về văn hóa nói chung và phát triển điện ảnh nói riêng.
Trình bày dự thảo Tờ trình Luật Điện ảnh (sửa đổi), Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nêu, trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) rất cần thiết nhằm hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý mới được ban hành, đồng thời tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia.
Luật Điện ảnh sau nhiều năm ra đời đã tác động tích cực đối với sự phát triển của ngành điện ảnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật đã bộc lộ một số quy định không còn phù hợp với thực tế hoặc đặc thù của hoạt động điện ảnh nên thiếu tính khả thi, chưa điều chỉnh kịp thời vấn đề mới nảy sinh. “Nhiều quy định của Luật không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế- xã hội và hoạt động điện ảnh hoặc quy định của pháp luật có liên quan nên tính khả thi không cao. Một số quy định không thể hiện đặc thù của điện ảnh nên không khả thi như quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; quy định cấp phép tổ chức chiếu giới thiệu phim Việt Nam tại nước ngoài, quy định đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài đã được Bộ VHTTDL xây dựng đầy đủ quy trình để cấp phép thủ tục hành chính.
Cũng theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, qua 14 năm thực hiện có một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung trong Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi căn bản ngành công nghiệp điện ảnh, khiến một số quy định của Luật trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với sự phát triển của điện ảnh.
Luật Điện ảnh (sửa đổi) thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 nhằm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường trong tổng thể phát triển của văn hóa- xã hội, đảm bảo tính minh bạch và có tính khả thi cao, đồng bộ với các bộ luật, luật có liên quan đang có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo
Dự thảo Luật sửa đổi bao gồm 8 chương, 50 điều, tập trung vào 4 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Cục trưởng Vi Kiến Thành nêu ba vấn đề trong quá trình xây dựng Luật còn có ý kiến khác nhau: quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước; Phổ biến phim trên không gian mạng; quy định về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Trong đó, quy định về phổ biến phim trên không gian mạng được cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến 2 phương án trong dự thảo Tờ trình để xin ý kiến Chính phủ: Phương án 1: Chỉ được phổ biến phim khi có giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng hoặc Quyết định phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh- truyền hình. Phương án 2: Phim phổ biến trên không gian mạng phải được sự phân loại, hiển thị kết quả phân loại theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.
Ông Vi Kiến Thành cho biết, về nội dung này, hiện dự thảo thêm phương án 3 là “tiền kiểm” nhưng giao về Đài Truyền hình thực hiện.
Tại cuộc họp, các Thứ trưởng đã phát biểu ý kiến về những vấn đề mà dự thảo Tờ trình nêu. Theo đó, tập trung vào ba vấn đề trong quá trình xây dựng Luật còn có ý kiến khác nhau: quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước; phổ biến phim trên không gian mạng; quy định về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Luật là thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng. Việc xây dựng bất cứ Luật nào cũng phải bám sát tinh thần này. Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ đánh giá cao sự chủ động của Cục Điện ảnh cũng như sự phối hợp trách nhiệm của các Cục, Vụ, đơn vị liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Về nội dung dự thảo Tờ trình, Bộ trưởng cơ bản đồng tình và yêu cầu làm rõ nội dung liên quan đến 3 vấn đề mà Cục Điện ảnh báo cáo, xin ý kiến. Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, Bộ trưởng giao các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy cùng với Cục Điện ảnh, Vụ Pháp chế rà soát lại các nội dung.
Bộ trưởng nhấn mạnh, xây dựng Luật phải thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, vì vậy, phải nghiên cứu rất kỹ các Nghị quyết của Đảng về lĩnh vực văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng. Đây là công cụ để chúng ta luận giải những vấn đề mà đại biểu Quốc hội có thể đặt ra. Đặc biệt, phải quán triệt một số Nghị quyết trọng tâm, mới nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; xem văn hóa và con người là động lực của sự phát triển...
Bộ trưởng lưu ý, Việt Nam đã hội nhập sâu vào thị trường quốc tế, nên xây dựng Luật cần chú ý không được mâu thuẫn với những điều ước quốc tế mà chúng ta đã ký kết tham gia. Bên cạnh đó, phải lưu ý và rà soát lại những nội dung có sự tích hợp với một số lĩnh vực khác, các bộ luật khác để xem có sự giao thoa, chồng chéo hay không. Ví dụ, đối chiếu với dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ, liên quan đến vấn đề bản quyền, phim trên không gian mạng..., cần rà soát các điều luật có tương thích với nhau không.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt tại buổi làm việc
“Phải rà soát kỹ, trên cơ sở xây dựng Luật là tạo sự phát triển bình đẳng, động lực cho sự phát triển...”, Bộ trưởng lưu ý.
Về những giải pháp quản lý nhằm ngăn chặn các sản phẩm độc hại, Bộ trưởng cho rằng, cần có những biện pháp kỹ thuật chặt chẽ, bởi nếu không kiểm soát thì sẽ rất khó ngăn chặn được sản phẩm độc hại. Vấn đề là phải tính toán, sử dụng giải pháp kỹ thuật nào.
Ví dụ, việc quản lý phim trên không gian mạng, “hậu kiểm” hay “tiền kiểm” thì phải cân nhắc kỹ. Quan trọng là giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn những nội dung vi phạm. Theo Bộ trưởng, phải đưa ra khung pháp lý chặt chẽ, phân loại phim để quản lý. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24.3.2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015- 2030; Chỉ thị 46- CT/TW ngày 27.7.2010 về Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội đều nhấn mạnh các giải pháp tăng cường quản lý văn hoá, thông tin, kịp thời ngăn chặn các sản phẩm văn hoá độc hại, thông tin sai trái tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của thế hệ trẻ, nhất là qua các trang mạng xã hội, trang web phản động, đồi truỵ...
Nêu ý kiến về ba đề xuất ở dự thảo Tờ trình, Bộ trưởng cho rằng, đây là những nội dung quan trọng và nhạy cảm, cần “thiết kế” chặt chẽ sao cho vừa thúc đẩy sáng tạo, vừa tạo giải pháp quản lý khoa học. Các nội dung về đấu thầu phim, kiểm duyệt phim trên không gian mạng, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh đều cần phải có những căn cứ luận giải khoa học, cụ thể, không cảm tính.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trên cơ sở cách nhìn và hướng tiếp cận toàn diện, Cục Điện ảnh, Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, cùng với những ý kiến tổng hợp qua hai cuộc Hội thảo và những vấn đề mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã khuyến nghị, để hoàn thiện dự thảo Luật và Tờ trình trình Chính phủ.
Theo Báo Văn hóa Online