Không chỉ quảng bá hình ảnh thiên nhiên, di sản văn hóa và con người xứ Huế đến với bạn bè cả nước và quốc tế, đây còn là cơ hội để khai thác tiềm năng, phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành “phim trường” lớn.
Tiềm năng điện ảnh
Thừa Thiên - Huế sở hữu tiềm năng rất to lớn để phát triển điện ảnh, với nhiều cảnh đẹp từ thiên tạo đến nhân tạo. Nhiều đạo diễn, đoàn làm phim liên tiếp chọn Thừa Thiên - Huế làm bối cảnh phim chính, tạo nên những bộ phim thành công về cả mặt nghệ thuật và doanh thu.
Sau “Nàng thơ xứ Huế”, bộ đôi đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân - NamCito tiếp tục thực hiện chuỗi dự án quảng bá hình ảnh, văn hóa và con người xứ Huế qua điện ảnh. Có thể kể đến các phim như “Hoa nở về đêm”, “Nàng dâu xứ Huế” “Gái già lắm chiêu 3” với những bối cảnh “đẹp như mơ” ở Thừa Thiên - Huế như: làng cổ Phước Tích, nhà vườn An Hiên, biệt phủ Bội Trân, cầu Trường Tiền, di tích Nghinh Lương Đình, Đập Đá, sông An Cựu…
Gần đây, phim “Gái già lắm chiêu 5 - Những cuộc đời vương giả” với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ tên tuổi, như Nghệ sỹ Nhân dân Lê Khanh, Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân, cố Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Dũng, cùng các diễn viên trẻ Kaity Nguyễn, Khương Lê… Bối cảnh chính của phim được quay tại di tích Cung An Định, một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, các di tích nổi tiếng khác như Ngọ Môn, Duyệt Thị Đường, Trường Lang Tử Cấm thành, lăng Minh Mạng, cầu Dã Viên…cũng xuất hiện trên phim. Sau khi đóng máy, đoàn làm phim đã tặng khu vườn bạch trà tại Cung An Định cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý. Đến nay, nơi đây đã trở thành địa điểm tham quan thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Trong mỗi dự án phim, đạo diễn Bảo Nhân và đoàn làm phim đều đưa Huế vào điện ảnh với góc nhìn mới mẻ hơn, điện ảnh hơn để quảng bá, giới thiệu cho khán giả một vùng đất vừa cổ kính, vừa hiện đại. Đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân cho rằng, Thừa Thiên - Huế có đầy đủ tiềm năng để phát triển thành phim trường bởi nơi đây có bề dày văn hóa, có núi, có sông, có biển; có thành thị xen lẫn các kiến trúc văn hóa cổ kính như cung điện, đền đài… Một nơi hội tụ sẵn nhiều nội dung phong phú để khai thác trong điện ảnh. Ngay từ dự án đầu tiên, đoàn làm phim của chúng tôi đã nhận được sự cởi mở và tạo điều kiện của chính quyền địa phương trong việc làm phim tại Thừa Thiên - Huế. Hy vọng rằng, chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ và xây dựng các quy định rõ ràng hơn để các đoàn phim thuận tiện hơn trong quá trình tác nghiệp.
Tháng 4/2021, khi phim “Kiều” khởi chiếu, mỗi góc quay về Huế không chỉ để lại trong lòng người xem ấn tượng sâu đậm, mà còn tạo được dấu ấn về một địa danh du lịch nổi tiếng. Đạo diễn, nhà sản xuất Mai Thu Huyền và đoàn phim đã dành khoảng 70% bối cảnh của phim để quay tại Thừa Thiên - Huế. Có thể nhận ra không gian di tích ở Đại Nội Huế, lăng Gia Long, bến đò ven sông Ô Lâu ở làng cổ Phước Tích hay các điểm đến du lịch tại Làng du lịch sinh thái Về Nguồn, biệt phủ Thảo Nhi…Đạo diễn Mai Thu Huyền cũng từng nhận xét, Thừa Thiên - Huế là một phim trường lớn, có vẻ đẹp riêng biệt mà không nơi nào có được.
Ngoài những phim điện ảnh như: “Mắt biếc” của Victor Vũ, “Em và Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, gần đây nhiều nghệ sĩ cũng chọn nhiều điểm di tích, thắng cảnh nổi tiếng ở Thừa Thiên - Huế làm bối cảnh để quay MV như: Chúng ta của hiện tại của Sơn Tùng M-TP; Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy…
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế cho biết: Thừa Thiên - Huế được biết đến với môi trường thiên nhiên rất tươi đẹp, đa dạng, phong phú với đủ cả núi rừng, gò đồi, đồng bằng, sông suối, đầm phá, bãi biển, vịnh biển và đảo ven bờ….Cùng với đó, Thừa Thiên - Huế gần như là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam; có là hệ thống đền đài, miếu mạo, cung điện, đình làng, nhà thờ họ vô cùng đặc sắc; đặc biệt hệ quần thể di sản văn hóa cung đình hiếm có đã được Tổ chức UNESCO công nhận. Vì vậy đây là bối cảnh hết sức hấp dẫn với những nhà làm phim.
Kỳ vọng phát triển “phim trường” lớn
Không chỉ những bộ phim gần đây như “Mắt biếc”, “Gái già lắm chiêu”… mà trước đó, đã có nhiều bộ phim nổi tiếng chọn Huế làm bối cảnh chính như “Long thành cầm giả ca”, “Đêm hội long trì”, “Dòng sông phẳng lặng”, hay phim “Trăng nơi đáy giếng” - đoạt giải Cánh diều bạc ở khu vực phim châu Á tại Liên hoan phim Quốc tế Madrid -Tây Ban Nha năm 2008, “Ngọn nến hoàng cung” từng đạt giải Cánh diều vàng 2004 cho Phim truyền hình dài tập xuất sắc nhất... Đặc biệt, phim “Đông Dương” (Indochine) ra mắt năm 1992 của Pháp là bộ phim nước ngoài đầu tiên được quay trong cung điện, lăng tẩm ở Hoàng thành Huế và đoạt giải Oscar dành cho phim nói tiếng nước ngoài. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch của tỉnh Thừa Thiên - Huế đến công chúng khắp trong và ngoài nước.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải, lãnh đạo tỉnh xác định một trong những đột phá về phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh hiện nay là điện ảnh và phim trường. Để Thừa Thiên - Huế là điểm đến không thể bỏ qua khi làm phim tại Việt Nam, thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá những hình ảnh đẹp và giá trị văn hóa của Huế đến công chúng cũng như nhà làm phim. Đồng thời, tạo cơ chế chính sách thuận lợi, thông thoáng cho các đoàn làm phim khi đến quay tại địa phương; thu hút các nhà đầu tư để ngoài bối cảnh sẵn có của “phim trường tự nhiên”, đầu tư xây dựng phim trường hiện đại để đem lại giá trị bền vững hơn, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương; nhằm tạo điều kiện khai thác tốt hơn ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt ở khía cạnh văn hóa điện ảnh.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đang tích cực chuẩn bị mọi công tác cho Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII sẽ được tổ chức tại thành phố Huế, diễn ra từ ngày 18-20/11/2021. Liên hoan phim là cơ hội để Thừa Thiên - Huế giới thiệu, quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người đến với công chúng và bạn bè trong nước, quốc tế; tạo cơ hội để các nhà làm phim khám phá, tìm kiếm ý tưởng sản xuất phim về vùng đất con người Thừa Thiên - Huế, tạo động lực để khai thác mạnh hơn tiềm năng điện ảnh.
Trong khuôn khổ Liên hoan Phim, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tổ chức Triển lãm “Thừa Thiên - Huế, điểm đến của các nhà làm phim” và Triển lãm ảnh “Sáng kiến điểm đến an toàn - Huế và bạn”. Cùng với đó, sẽ có chương trình tham quan để các đoàn làm phim, đạo diễn, nghệ sỹ được khám phá, khảo sát, trải nghiệm thực tế các giá trị di sản, văn hóa, nghệ thuật, thiên nhiên và con người xứ Huế; giới thiệu bộ phim tư liệu “Huế - kinh đô áo dài Việt Nam” tham gia Liên hoan phim; qua đó, hình thành những ý tưởng sáng tạo nghệ thuật mới, sử dụng bối cảnh đẹp để xây dựng những bộ phim, những clip, MV âm nhạc cho những dự án trong tương lai.
Cùng với việc gìn giữ và bảo tồn giá trị của cảnh quan, di sản và tâm hồn người Huế, việc đổi mới tổ chức các kỳ Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, gắn với Đề án Festival bốn mùa, triển khai Đề án Huế Kinh đô Áo dài, Kinh đô Ẩm thực sẽ là những sản phẩm văn hóa mới lạ, là nguồn cảm hứng bất tận, thu hút các đạo diễn, nhà làm phim, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành "phim trường" lớn.