Là trung tâm điện ảnh sôi động nhất cả nước, có nhiều tiềm năng và điều kiện phát triển, TP Hồ Chí Minh kiến nghị tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này, như tạo cơ chế để địa phương được quyền tự chủ khai thác nguồn lực, sử dụng ngân sách để đầu tư phát triển; phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được duyệt phim truyện…
Xã hội hóa điện ảnh phát triển
Sáng 1.12, báo cáo với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ về việc thi hành Luật Điện ảnh trên địa bàn, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay thành phố có trên 100 cơ sở đăng ký và sản xuất phát hành phim, trong đó có khoảng 30 cơ sở hoạt động thường xuyên. Ngoài các hãng phim nhà nước còn có các hãng phim thuộc các ban, ngành, đoàn thể của thành phố…
Đặc biệt, công tác xã hội hóa điện ảnh tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua phát triển, với nhiều hãng phim tư nhân đã đăng ký thành lập và hoạt động thường xuyên, một số hãng phim đã sản xuất một số bộ phim gây tiếng vang, như: Hãng phim Phước Sang, Hãng phim Thiên Ngân, Hãng phim BHD, Hãng phim HK, Hãng phim Lý Huỳnh, Hãng phim Gia đình Việt, Hãng phim Việt, Hãng phim Lasta, Hãng phim Chánh Phương, Hãng phim Nhất Phương, Hãng phim Kỳ Đồng…
Phim Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường phim Tết ở rạp và chiếm tỷ lệ cao trên sóng truyền hình. Thành phố có 31 cụm rạp chiếu phim với 190 phòng chiếu (30.944 ghế) thuộc 7 doanh nghiệp, phục vụ 4.000.000 lượt khán giả/năm, đã tạo điều kiện cho người xem tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật điện ảnh hiện đại nên đã thu hút được khán giả đến rạp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa mong muốn TP Hồ Chí Minh tiếp tục có cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực điện ảnh
Một số chính sách chưa được cụ thể hóa
Về triển khai thực hiện Luật Điện ảnh, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, qua 14 năm thực hiện, đã và đang bộc lộ nhiều quy định không phù hợp với thực tế. Trong đó, các quy định của Luật Điện ảnh chưa thể hiện đầy đủ, chưa theo kịp tính chất đặc thù của hoạt động điện ảnh (ví dụ về đấu thầu sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước, quy định phải có rạp mới được nhập phim, chưa phân định rõ trách nhiệm quản lý việc phát hành và phổ biến phim trong môi trường số hóa, trên internet...).
Một số chính sách của nhà nước về phát triển điện ảnh chưa được cụ thể hóa và thực thi nghiêm túc như: Chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế đối với các hoạt động điện ảnh, chính sách về dành quỹ đất xây dựng rạp chiếu phim trong quá trình quy hoạch đô thị, đầu tư sản xuất phim về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử… nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điện ảnh nói chung và chưa đủ sức thu hút các hãng phim nước ngoài vào hợp tác làm phim tại Việt Nam, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa nghệ thuật thông qua lĩnh vực điện ảnh.
Luật Điện ảnh chưa quy định quy chế phối hợp giữa ngành điện ảnh với các ngành khác như truyền hình, du lịch, tài chính, thông tin truyền thông nên chưa phát huy được thế mạnh của điện ảnh. Đầu tư của nhà nước trên các mặt sản xuất phim, phổ biến phim và cơ sở vật chất kỹ thuật còn hạn chế, không đồng bộ và chưa phát huy hiệu quả: Cơ sở vật chất, kỹ thuật kém, chưa có hệ thống phim trường và công nghệ làm phim đáp ứng yêu cầu sản xuất phim chuyên nghiệp và sự phát triển của điện ảnh hiện đại.
Ông Đỗ Quốc Việt Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại cuộc họp.
Có cơ chế, chính sách đặc thù
Để xây dựng và phát triển công nghiệp điện ảnh, TP Hồ Chí Minh đề nghị xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi hơn, trong đó, phân cấp quản lý cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thẩm quyền duyệt phim truyện (hiện mới được phân cấp duyệt phim tài liệu, phim hoạt hình…). Có nhiều chính sách ưu đãi về thuế và cơ chế đặc thù cho các cơ sở sản xuất điện ảnh. Quan tâm đầu tư, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao để đáp ứng kịp thời với nhu cầu, trình độ phát triển ngày càng cao của lĩnh vực điện ảnh.
TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong công tác quản lý nhà nước, cụ thể là tạo cơ chế để các địa phương được quyền tự chủ khai thác nguồn lực, sử dụng ngân sách để đầu tư phát triển nguồn nhân lực (đào tạo đạo diễn, diễn viên); tăng cường thẩm quyền cho Hội đồng thẩm định kịch bản văn học đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước (hiện nay, Hội đồng cấp tỉnh chỉ thẩm định kịch bản văn học đối với các phim tài liệu, khoa học và hoạt hình).
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh Mai Bá Hùng cho biết, thành phố đang có một số đề án về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có điện ảnh
Ghi nhận TP Hồ Chí Minh là địa phương mà các hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh sôi động nhất cả nước, các thành viên Đoàn khảo sát trao đổi tìm hiểu sâu hơn về các chính sách đặc thù của thành phố để thu hút các thành phần tham gia vào lĩnh vực; hiệu quả của phim Nhà nước đặt hàng, sự phối hợp giữa ngành Văn hóa với các đài truyền hình để phổ biến phim đặt hàng…
Đồng tình với kiến nghị tăng cường phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thẩm quyền duyệt phim truyện nhằm giảm tải cho Trung ương, song một số thành viên Đoàn khảo sát băn khoăn liệu các địa phương có đủ năng lực làm được điều đó không, từ đó cũng đặt ra vấn đề đào tạo đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh…
Nhấn mạnh, sắp tới Luật Điện ảnh sẽ được sửa đổi toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển của điện ảnh trong bối cảnh mới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa mong muốn, TP Hồ Chí Minh, với tư cách là địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất phim, tiếp tục nghiên cứu có cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực này; quy hoạch hệ thống rạp chiếu phim để bảo đảm điều kiện thụ hưởng điện ảnh cho người dân thành phố…