Nỗ lực lớn của ngành VHTT&DL trong bối cảnh khó khăn đặc biệt

14/12/2020
In trang

6 tháng đầu năm 2020 đã đi vào lịch sử của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) với những nỗ lực lớn trong bối cảnh thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19.

Chiều 28/7, Bộ VHTT&DL sơ kết công tác văn hoá, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm 6 tháng cuối năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2020 đã đi vào lịch sử của ngành VHTT&DL, chưa có ngành nào thiệt hại nặng nề như VHTT&DL trong đợt dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong khó khăn đó, lãnh đạo Bộ đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn của đơn vị, cán bộ công chức viên chức, người lao động của ngành. Đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ “kép” mà Thủ tướng giao đó là vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế.

 

 

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ VHTT&DL đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi 9 di tích quốc gia đặc biệt; ban hành Quyết định xếp hạng 21 di tích quốc gia; thêm 11 di sản được đưa vào Danh mục Di sản phi vật thể quốc gia; trình UNESCO hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các hoạt động văn hóa cơ sở bám sát nhiệm vụ tuyên truyền phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo không khí phấn khởi, sôi nổi thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức 9 cuộc triển lãm truyên truyền cổ động trực quan, triển lãm tại các tỉnh/thành. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cổ động Năm Chủ tịch ASEAN 2020 với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

Công tác tổ chức thẩm định, phân loại và cho phép phát hành được thực hiện theo đúng quy định. Hệ thống các rạp chiếu phim trong cả nước đã mở cửa trở lại; các đội chiếu phim lưu động của các trung tâm/công ty phát hành phim và chiếu bóng phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, nâng cao hưởng thụ văn hóa của người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Công tác quản lý nhà nước về gia đình được đẩy mạnh. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 về “Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình”. Chủ trì xây dựng hồ sơ lập đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Triển khai tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020.

Về lĩnh vực thể dục thể thao, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2020 về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia tổ chức SEA Games 31, ASEAN Para Games 11; Quyết định số 288/QĐ-BCĐQG2021 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia thành lập Ban Tổ chức SEA Games 31 và Ban Tổ chức ASEAN Para Games 11. Ban hành Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 và Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 năm 2021 tại Việt Nam.

Sau khi dịch bệnh COVID-19 bước đầu được kiểm soát, các hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức trở lại trong tháng 5 đã được người hâm mộ thể thao cả nước hoan nghênh. Đặc biệt tổ chức các trận đấu của giải Vô địch Quốc gia (V-League); Cúp quốc gia đã thu hút đông đảo khán giả các địa phương tới xem và cổ vũ gây tiếng vang lớn đối với truyền thông quốc tế và được coi là một minh chứng cụ thể cho kết quả của công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả ở nước ta.

Trong 6 tháng đầu năm, thể thao Việt Nam đã tham gia 18 giải thể thao quốc tế, giành được 26 huy chương vàng, 11 huy chương bạc, 8 huy chương đồng. Đến nay, Việt Nam đã có 5 suất chính thức tham dự Olympic Tokyo gồm các môn: Bắn cung (2), Boxing (1), Thể dục dụng cụ (1), Bơi (1).

Về lĩnh vực du lịch, trong 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3.686.779 lượt, giảm 49,5% so với 6 tháng đầu năm 2019. Khách du lịch nội địa đạt 23 triệu lượt, trong đó có 11,8 triệu lượt khách lưu trú tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 176.800 tỷ đồng, giảm 47,7% so với cùng kỳ 2019.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khởi động lại thị trường du lịch nội địa, chuẩn bị sẵn sàng để đón du khách quốc tế vào Việt Nam khi điều kiện cho phép, Bộ VHTT&DL đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với mục tiêu kích cầu du lịch nội địa.

11 nhiệm vụ trọng tâm

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, khó khăn vẫn còn dài, chưa biết khi nào chấm dứt, nên tinh thần là các đơn vị phải thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, không chủ quan lơ là trong nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19, chấp hành nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng và địa phương. Theo đó, phải phát huy những kết quả bước đầu trong những tháng đầu năm. Phải tìm giải pháp để khắc phục những khó khăn đó.

Bộ VHTT&DL xác định 11 nhiệm vụ trọng tâm cần hoàn thành trong nửa cuối năm 2020.

Đó là, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp điều hành phát triển kinh tế-xã hội năm 2020. Phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu Chương trình hành động của Ngành VHTT&DL thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra cho năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.

Hai là, quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong các lĩnh vực hoạt động của ngành.

Ba là, tập trung hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững trình của Thủ tướng Chính phủ. Thẩm định Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, công nhận bảo vật quốc gia; nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch bảo tồn di tích. 

Bốn là tổ chức tốt các hoạt động văn hóa cơ sở, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.

Năm là, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Sáu là, tổ chức tốt các Ngày hội, hoạt động giao lưu văn hóa các dân tộc, vùng đồng bào dân tộc. Hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Xây dựng Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030”.

Bảy là, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tổ chức tốt các chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, hiệu quả phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước và phục vụ nhân dân.

Tám là, tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng dự thảo Đề án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ phần quyền tác giả, quyền liên quan.

Chín là, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chương trình quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới”.

Mười là, tổng kết Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020. Triển khai Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11. Tiếp tục thúc đẩy phát triển thể dục, thể thao rộng khắp cả nước gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Mười một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 và định hướng đến năm 2021. Tổ chức Hội nghị du lịch toàn quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới để tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, từng bước mở trở lại du lịch quốc tế khi đủ điều kiện. Chủ trì, phối hợp triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và triển khai chiến dịch truyền thông về điểm đến “Việt Nam an toàn”.

Theo Chinhphu.vn

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan