Làng nghề truyền thống lên phim

20/03/2023
In trang
Những năm gần đây, khi phim truyền hình mải mê “chạy” theo một vài mô típ quen thuộc, thì những câu chuyện về làng nghề thủ công, nghề truyền thống đang dần tạo ra cá tính riêng và được công chúng đón nhận. Tuy nhiên, với những nét đặc thù không trộn lẫn, bên cạnh những lời khen thì vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, để qua đó thấy được, làm phim về các ngành nghề là không hề dễ “nhằn”.

Các diễn viên được trải nghiệm cuộc sống lam lũ của diêm dân khi tham gia bộ phim “Mặn hơn muối”

Thực tế, qua màn ảnh nhỏ, khán giả từng được thưởng thức phim về các làng nghề thủ công, nghề truyền thống như: Gốm qua Miền đất phúc; sơn mài ở Sóng gió làng nghề; vẽ tranh cát qua Màu cát; ghe xuồng Hương phù sa, dệt chiếu ở Thiên đường ở bên ta, Khi lác tỏa hương; làm nước mắm truyền thống qua Ngũ hợi tấn hỷ; làm muối ở Mặn hơn muối; nuôi cá bè qua Chuyện làng bè… Tuy nhiên, trước kia, dòng phim này thường chỉ khai thác theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, mô tả công việc ở bề nổi nên không đủ sức thuyết phục khán giả.

Mảnh đất màu mỡ

Thế nhưng vài năm gần đây, nghề trên phim đã được chú trọng và đào sâu hơn với những cái tên “làm nên chuyện” như: Vua bánh mì, Bánh mì ông Màu, Hành trình công lý… Hay mới đây nhất, nghề dệt lụa được các nhà làm phim truyền hình khai thác trong bộ phim Lụa, tái hiện làng nghề dệt vải Mã Châu (Quảng Nam). Lấy đề tài về thời trang, phim muốn thông qua câu chuyện tình yêu giữa những bạn trẻ đang làm trong lĩnh vực này để hướng đến những giá trị thẩm mỹ đáng quý của người Việt. Hơn thế nữa, bộ phim còn cho thấy trách nhiệm của người trẻ trong công tác gìn giữ và phát huy các giá trị của ông cha ta để lại. Sau những tập đầu lên sóng, bộ phim hiện đang nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả, bởi độ “chịu chi” của ê kíp phim Lụa.

Trên màn ảnh rộng sắp tới đây, bối cảnh chợ bán chiếu lần đầu xuất hiện trong sê-ri Lật mặt của đạo diễn Lý Hải. Là người vô cùng tâm huyết với những giá trị văn hóa truyền thống, nam đạo diễn từng chia sẻ rằng, anh muốn phục dựng lại làng nghề dệt chiếu đã mai một bấy lâu nay để khán giả có thể biết đến ngành nghề quý giá này, hay xa hơn nữa là gìn giữ và phát huy.

Có thể thấy, giữa dòng chảy của những bộ phim hiện đại, việc xuất hiện những tác phẩm gắn với yếu tố ngành nghề thủ công, nghề truyền thống thường sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn. Ở đó, công chúng không chỉ bị mê hoặc bởi những khung hình đẹp mà còn bị hấp dẫn bởi những công đoạn tạo ra sản phẩm mà đôi khi họ vẫn chưa biết. Nhất là khi ngày một nhiều làng nghề truyền thống, nghề thủ công có khả năng mai một, thì việc xuất hiện các bộ phim tôn vinh nghề đã và đang giúp lan tỏa đến người xem niềm tự hào về bề dày văn hóa, cùng những nét đẹp truyền thống vốn có của từng vùng đất, từng làng quê Việt Nam.

Hơn thế nữa, dòng phim về ngành nghề cũng giúp phim ảnh Việt tạo được những dấu ấn riêng, màu sắc riêng trên thị trường phim quốc tế mà không hề lai căng với bất cứ một nền văn hóa nào. Rõ ràng, Việt Nam đã và đang có rất nhiều nghề thủ công, truyền thống và đó chính là nguồn chất liệu “vàng” để các nhà làm phim có thể khai thác, sáng tạo.

… nhưng cũng lắm chông chênh

Thế nhưng, để đưa một ngành nghề truyền thống lên phim ảnh không phải là chuyện dễ dàng, đó cũng là nỗi băn khoăn của các nhà làm phim từ bấy lâu nay. Bởi lẽ, dù không khắc họa quá sâu, nhưng phim làm về ngành nghề truyền thống, thủ công cũng đòi hỏi kỳ công nhiều hơn các dòng phim khác. Còn nếu chỉ hời hợt, thoáng qua thì sẽ không tạo được dấu ấn. Bên cạnh đó, để hấp dẫn người xem thì sự dung hòa giữa yếu tố nghề cùng câu chuyện phim cần được bảo đảm. Bởi, nếu sa đà vào yếu tố nghề sẽ khiến phim trở nên khô khan, xa vời, còn chỉ “làm cho có” thì cũng na ná như những bộ phim khác mà thôi.

Theo nhiều nhà chuyên môn, phim về các ngành nghề không dễ thực hiện đến nơi đến chốn vì nhiều yếu tố, từ kiến thức của biên kịch cho đến mức độ đầu tư của nhà sản xuất và cả sự nỗ lực của diễn viên. Nhà biên kịch muốn viết được về ngành nghề nào đó phải đọc nhiều, hiểu rộng, nắm vững các thuật ngữ cơ bản để tránh “sạn”, thậm chí là phải có sự trải nghiệm, dấn thân với ngành nghề đó thì kịch bản mới “đời”. Thật vậy, trước đó, một số tay viết không có trải nghiệm, thiếu sự tham vấn từ người có chuyên môn đã dẫn đến kiến thức sai lệch và lẽ dĩ nhiên bị phản ứng ngay lập tức khi phim phát sóng.

Về mức độ đầu tư, nếu các nhà làm phim đã theo dòng này thì phải xác định về quy mô, bởi lẽ ở nước ta vẫn chưa có phim trường hay xưởng phim chuyên ngành, trong khi đó lại ít kinh phí để xây dựng bối cảnh, mua sắm thiết bị chuyên biệt phục vụ việc quay phim. Đó cũng là lý do khiến nhiều bộ phim dù có ý tưởng tốt, nhưng khi đi vào thực tế thì bối cảnh hời hợt đã làm phim mất điểm đi rất nhiều. Cùng với đó, nhiều diễn viên cũng không có nhiều cơ hội để tiếp cận ngành nghề mà mình sẽ thể hiện nên đã dẫn đến việc diễn đơ hay có những hành động, cử chỉ không thuyết phục khán giả.

Trong buổi ra mắt phim Lụa, đạo diễn Trần Đức Long đã từng chia sẻ: “Tôi gặp nhiều khó khăn với dự án lần này, do không có nhiều kiến thức về thời trang, về nghề dệt lụa. Thế nên, tôi đã phải nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của người trong giới, rồi phải đọc sách, tìm hiểu trên báo, trên mạng và các kênh thông tin khác rồi trò chuyện, học hỏi người trong ngành… May mắn là tôi được các hãng thời trang hỗ trợ trang phục, các nhà thiết kế hỗ trợ chuyên môn”. Còn với biên kịch Đỗ Minh Viên, khi viết kịch bản Lụa, anh đã phải dành mấy ngày đi đến làng lụa ở Hội An để gặp gỡ những người làm nghề. “Cái khó khi viết kịch bản phim làng nghề là phải đào sâu, tìm hiểu góc nhìn đa chiều về thế giới đó rồi mới đặt câu chuyện vào. Sau Lụa, tôi đang ấp ủ kịch bản phim về nghề thuốc nam”, Đỗ Minh Viên cho biết thêm. Tuy khó khăn là thế, nhưng các nhà làm phim rất cảm kích bởi đa phần đều thuận lợi khi tiếp cận với người dân làm nghề để ghi hình.

Rõ ràng, muốn đi đường dài, dòng phim riêng về các nghề truyền thống, thủ công Việt cần phải xây dựng chiến lược đầu tư cụ thể, cũng như có sự bắt tay giữa các nhà làm phim, người làm nghề và chính quyền địa phương, để từ đó mang đến công chúng những thước phim chân thật nhất, đẹp đẽ nhất và có giá trị nhất. 

Theo báo Văn hóa

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan