Họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi)

14/12/2020
In trang

Chiều ngày 18/9, tại trụ sở Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Phó Trưởng ban thường trực Ban Soạn thảo chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan đơn vị là thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Tại cuộc họp, Ông Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh - Tổ phó thường trực Tổ Biên tập dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã công bố Quyết định số 2444/QĐ-BVHTTDL ngày 01/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thành lập Ban Soạn tảo và Tổ Biên tập dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

 

Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Phó Trưởng ban thường trực Ban Soạn thảo phát biểu khai mạc cuộc họp.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009 ra đời và có hiệu lực cách đây 12 năm. Trong số các loại hình nghệ thuật, ngành điện ảnh là ngành nghệ thuật sớm xây dựng được bộ luật riêng. Luật Điện ảnh ra đời đã tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tạo cơ sở để phát triển Điện ảnh Việt Nam. Trong 12 năm thi hành Luật Điện ảnh, Điện ảnh Việt Nam đã có nhiều biến chuyển tích cực như: thu hút, khuyến khích được sự tham gia của tổ chức, cá nhân từ nhiều thành phần kinh tế vào các lĩnh vực của hoạt động điện ảnh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh; Chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, thiếu nhi, lực lượng vũ trang nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại... Bên cạnh đó, các quy định về việc thành lập các cơ sở sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim; việc tổ chức, tham gia liên hoan phim, hội chợ phim...đã góp phần đưa Điện ảnh Việt Nam vươn xa, hòa nhập vào dòng chảy Điện ảnh quốc tế. Trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội hiện tại, vấn đề hội nhập quốc tế và sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp, qua đó từng bước bổ sung, hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động Điện ảnh phát huy được vai trò và ý nghĩa chiến lược của mình. Vì vậy, việc ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) thay thế cho Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009 là cần thiết.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tích cực đóng góp ý kiến để hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật.

Trước khi các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) có ý kiến, ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Phó Trưởng ban Soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã trình bày kế hoạch xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), trong đó lưu ý hai mốc thời gian đáng lưu ý là tháng 4/2021 trình Chính phủ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổ) và Kỳ họp thứ 2, tháng 10/2021 trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập được nghe ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Phó Trưởng ban Ban Soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình bày tóm tắt dự thảo Luât. Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009, đồng thời có sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) bao gồm 8 chương 50 điều. Cục trưởng Vi Kiến Thành đề nghị các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tích cực đóng góp ý kiến và các nội dung dự thảo Luật, tập trung vào các vấn đề chính sau: Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; các quy định về điều cấm; phát hành và phổ biến phim, biên pháp quản lý (tiền kiểm và hậu kiểm); đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; phân cấp quản lý phim.

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đã tích cực đóng góp ý kiến để hoàn thiện nội dung dự thảo Luật. Theo bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Bộ Tư pháp, dự thảo Luật được xây dựng phải đảm bảo 04 chính sách đã được chính phủ thống nhất thống qua tại giai đoạn lập đề nghị xây dựng, nếu phát sinh chính sách mới phải bổ sung vào Báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Ngoài ra, hiện nay Chính phủ đang tích cực đẩy mạnh phân cấp quản lý cho địa phương. Trong quá trình xây dựng dự thảo, cần lưu ý đi trước đón đầu trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cung cấp dịch vụ công mức độ 3,4.

          Theo ý kiến của ông Nguyễn Thành Chung, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình          và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và truyền thông. Liên quan đến các Đài Phát thanh - truyền hình, quan niệm trước đây mới chỉ tiếp cận dưới dạng các Đài Phát thanh - truyền hình và kênh truyền hình, tuy nhiên với sự phát triển hiện nay, phát thanh - truyền hình còn có thêm loại hình dịch vụ phát thanh - truyền hình. Đề nghị đưa thêm vào nội dung điều chỉnh phần phát thanh - truyền hình. Thống nhất với việc để người đứng đầu các đài phát thanh - truyền hình chịu trách nhiệm các khâu sản xuất, phát sóng, xuất khẩu nội dung ra nước ngoài. Ngoài các Đài Phát thanh - truyền hình trong nước, hiện nay trên hệ thống truyền hình Việt Nam có các kênh truyền hình nước ngoài, ví dụ: HBO, Star Movie,.. Theo pháp luật về phát thành - truyền hình, các kênh này muốn được phát sóng trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua đại lý để phân phối kênh, sau đó được một Đài Phát thanh - truyền hình biên tập, kiểm duyệt. Vì vậy, Cục Phát thanh, Truyền hình    và Thông tin điện tử đề xuất quy định cho các đơn vị, cơ quan báo chí, Giám đốc Đài Phát thanh - truyền hình được cấp phép biên tập các kênh này chịu trách nhiệm về nội dung. Luật Điện ảnh trước đây và dự thảo Luật đã thể hiện được nội dung này. Với dịch vụ cung cấp phát thanh thành - truyền hình, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý theo góc độ các nội dung truyền hình theo yêu cầu phải được các Đài Truyền hình biên tập. Với việc phổ biến phim trên mạng xã hội và internet nói chung, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất quản lý nội dung phim thuộc chức năng, thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý các phương tiện bao gồm: Đài Phát thanh - Truyền hình, internet, mạng xã hội, trang thông tin điện tử và sẽ cùng tham gia và phương thức phổ biến phim.

          Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung thêm nguyên tác bảo vệ quyền tự do sáng tác của nghệ sĩ. Dự thảo hiện nay tại phần sản xuất phim chỉ cho phép đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có chức năng sản xuất phim, tuy nhiên hiện nay tình trạng cá nhân hóa diễn ra nhiều, quy định này còn mang tính cứng nhắc. Ngoài ra, cần xem xét lại nguồn thu của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, khi thu phí trên lượt xem phim.

          Các thành viên Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam đều tích cực góp ý các nội dung chi tiết để hoàn thiện dự thảo Luật.

          Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Tạ Quang Đông ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến góp ý của thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập và khẳng định, Chính phủ đã thông qua 04 chính sách tại đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), các chính sách này sẽ được thể hiện đầy đủ trong dự thảo Luật. Trong quá trình xây dựng, nếu phát sinh các vấn đề mới cần sửa đổi, Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập sẽ tổng hợp và bổ sung trong Báo cáo giải trình. Điện ảnh là lĩnh vực phức tạp, được thể hiện và phổ biến đến công chúng bằng nhiều hình thức khác nhau, vì vậy cần đảm bảo các quy định của dự thảo Luật không mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác và thống nhất với các điều ước quốc tế Việt Nam đã cam kết. Đồng thời Thứ trưởng chỉ đạo Tổ Biên tập cần nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý và có kế hoạch làm việc cụ thể với các Bộ, ban, ngành để sớm hoàn thiện dự thảo Luật trước khi tổ chức Hội thảo và gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương cho ý kiến./.

 Mai Anh

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan