Hội thảo: Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc

10/11/2022
In trang
Sáng 9/11, trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI, đã diễn ra Hội thảo Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hàn Quốc là hoạt động rất được mong chờ của các nghệ sĩ, những nhà làm phim tham dự HANIFF VI.

Tham dự Hội thảo có ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh; ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế; ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Khánh Hòa; ông Park Kiyong, Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC); ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam; Ông Joh Gun Shik, Giám đốc Học Viện Nghệ thuật Điện ảnh Hàn Quốc (KAFA – KOFIC); ông Lee Jin Sung, Tổng Giám đốc Lotte Việt Nam; ông Jung Tae Sun, Tổng Giám đốc Công ty TNHH CJ HK; ông Ko Jae Suk, Tổng Giám đốc Công ty CJ CGV; đại diện trung tâm Văn hóa Hàn Quốc và một số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo còn có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là các nhà quản lý điện ảnh: đại diện các Ban, Bộ, ngành, Hội, Hiệp hội có liên quan; đại diện Lãnh đạo các Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; các nghệ sĩ, nhà sản xuất, phát hành, phổ biến phim là người Việt Nam và quốc tế, khách mời của Liên hoan Phim; sinh viên điện ảnh thuộc các trường: Đại học Sân khấu, Điện ảnh Hà Nội; Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn Hà Nội; Trung tâm hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh TPD; các phóng viên, nhà báo đại diện các cơ quan báo chí ở Trung ương, Hà Nội và nước ngoài.

Hq3

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo. ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng BTC LHP quốc tế Hà Nội lần VI cho biết, với mục đích trao đổi về những kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách phát triển điện ảnh của Chính phủ Hàn Quốc, những xu hướng làm phim mà điện ảnh Hàn Quốc hướng tới; đồng thời chia sẻ về cách tiếp cận các Liên hoan Phim cũng như con đường đi tới những giải thưởng lớn mà điện ảnh Hàn Quốc đã đạt được tại các Liên hoan Phim, giải thưởng điện ảnh có uy tín quốc tế.

Thông qua hội thảo, những nội dung trao đổi của các quý vị, đặc biệt là nội dung do ông Park Ki Yong, Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) giới thiệu sẽ là những kinh nghiệm hữu ích cho những người làm phim trong nước và quốc tế tham dự Liên hoan Phim.

“Đây là một cơ hội tuyệt vời để khán giả Hà Nội và đại biểu tham dự Liên hoan Phim được thưởng thức những tác phẩm đã góp phần làm nên vị trí hàng đầu của Điện ảnh Hàn Quốc trên trường quốc tế ngày nay; cùng “quyền lực mềm” quảng bá văn hóa, kết nối các giá trị văn hóa, tạo nên những kỳ tích của công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc qua nhiều năm. Tôi tin rằng, với kinh nghiệm và sự chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức, Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), Hội thảo sẽ thành công với những chia sẻ, trao đổi giữa những người đồng nghiệp đến từ nhiều nền điện ảnh khác nhau; luôn có sự đồng cảm với những giá trị nhân văn, luôn thích ứng và phát triển cùng sự tiến bộ của con người”- ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Z3866673464987 733ec91eb219ea2d57cc200592accb81

Ông Park Ki Yong- Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc chia sẻ tại Hội thảo

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện ảnh Hàn Quốc, ông Park Ki Yong- Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc cho biết: “Điện ảnh Hàn Quốc mới đây có bộ phim Ký sinh trùng được rất nhiều giải thưởng, là bộ phim tiêu biểu của K-movies. Hay bộ phim “Squid Game”- Trò chơi con mực nổi tiếng trên thế giới. Và chúng tôi hay nhận được câu hỏi: bí quyết thành công của phim Hàn là gì?

Xin khẳng định, sự thành công của các bộ phim Hàn đều mang phong cách Hàn, phim kiểu Hàn nói về xã hội Hàn. Ví dụ Trò chơi con mực được người xem khắp thế giới khen ngợi vì mang đậm tính nhân văn, những cảnh quay cảm động, ấm áp so với những bộ phim sinh tồn khác”- ông Park Ki Yong nhận định.

Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc cũng khẳng định: “Phim Hàn thành công không phải do nội dung của phim Hàn đặc biệt, mà thay vào đó là chất lượng vượt trội. Cũng như người Hàn sống trong một xã hội dữ dội và đầy nhiệt huyết và phim Hàn phản ánh chân thật xã hội đó”.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc Park Ki Yong, thành công của phim Hàn cũng nhờ những kinh nghiệm đã được tích lũy trong nhiều năm của đội ngũ sáng tạo. Hàn Quốc đã có một thời gian dài là thuộc địa, từ một nước thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, hiện nay, Hàn Quốc đã thuộc nhóm giàu nhất. Để đạt được điều đó, Hàn Quốc đã có sự cố gắng hết sức mình.

Z3866673454855 Af16ff1a92f805da9491cee3fe3795c7 (1)

Bà Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển điện ảnh Việt Nam tham dự Hội thảo

Văn hóa phẩm của Hàn Quốc cũng hướng tới thị trường quốc tế. Bên cạnh đó là sự thay đổi trong môi trường truyền thông mang tới cơ hội thành công. Bên cạnh đó, điện ảnh Hàn Quốc cũng mở rộng đối tượng xem phim không chỉ là ở lứa tuổi 20-30 mà mọi đối tượng. Cùng với đó, mở rộng phát hành phim ở những thành phố vệ tinh.

“Với kinh nghiệm làm phim trên 30 năm qua, tôi cũng không ngờ đến ngày K- movies phát triển rực rỡ như hiện nay. Và dù đã thành công, chúng tôi cũng không dậm chân tại chỗ, đứng lại trên hào quang mà luôn trăn trở làm sao để tiếp tục phát triển bền vững nhất. Đại dịch Covid-19 đã tạo sự thay đổi của rất nhiều thứ, trong đó có điện ảnh. Sau đại dịch, người ta đặt ra câu hỏi sơ khai ban đầu đó là điện ảnh là gì, phim là gì? Điện ảnh phát triển theo hướng như thế nào? Chúng tôi cũng luôn trăn trở với câu hỏi này”- ông Park Ki Yong nói.

Sau đại dịch Covid-19, một yếu tố ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của điện ảnh là tốc độ. Làm phim nhanh, phản ánh thực trạng xã hội một cách nhanh nhất; Nâng cao năng lực, nuôi dưỡng thế hệ nhà sản xuất phim Hàn tiếp theo; Tăng cường toàn cầu hóa (khắc phục rào cản ngôn ngữ); khuyến khích nghiên cứu, phê bình học thuật; tăng cường nghiên cứu, phát triển giáo dục; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển điện ảnh… đó là những nhiệm vụ mà điện ảnh Hàn Quốc đặt ra trong giai đoạn phát triển sau đại dịch hiện nay.

Theo ông Ko Jae Soo- Tổng Giám đốc CJ Việt Nam, điện ảnh Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm, yếu tố có thể áp dụng tại Việt Nam. Trong đó, cần đa dạng hóa mục đích sử dụng của rạp chiếu phim và mở rộng đối tượng, phạm vi hưởng thụ điện ảnh. Hàn Quốc đã nghiên cứu xây dựng nhiều rạp chiếu phim hơn nữa ở các địa phương. Cùng với đó là mở rộng hơn nữa đối tượng của điện ảnh. Không chỉ là đối tượng 20-30 tuổi, điện ảnh sẽ phục vụ mọi lứa tuổi và hiện những người làm phim Hàn Quốc đang trăn trở làm những phim phục vụ đối tượng trung niên.

Toàn cảnh Hội thảo

Bên cạnh đó, Quỹ phát triển văn hóa của CJ, đưa những bộ phim đến phục vụ những vùng sâu, vùng xa. Các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và Hiệp hội điện ảnh góp phần phát triển điện ảnh nước nhà. Ông Ko Jae Soo cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển điện ảnh bởi đối tượng khán giả rất lớn do dân số đông.

Còn theo ông Jung Tae Sung- Tổng Giám đốc CJ HK, để phát triển điện ảnh Việt Nam, người Việt Nam phải ưu tiên xem phim Việt Nam.

Theo ông Jung Tae Sung, đáng tiếc là tỉ lệ người Việt xem phim Việt còn ít. Khi người dân Việt Nam chọn phim để xem thì họ có định kiến nhất định với chính phim của nước mình. Điều này dễ hiểu thôi, vì nền điện ảnh nước ngoài du nhập vào Việt Nam đã có những bộ phim rất hay như Hollywood, Hàn Quốc… vì thế người dân Việt Nam chưa ưu tiên xem phim Việt Nam lên hàng đầu. “Trong 10 năm qua, điện ảnh Việt Nam có nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ cho việc sản xuất phim, nhưng cần mở cửa hơn nữa trong sáng tác, hợp tác với các nước trong tương lai”- ông Jung Tae Sung nói.

Cũng theo Tổng Giám đốc CJ HK, Việt Nam nên chú trọng đào tạo nhân lực cho điện ảnh. “Khi làm phim, chúng tôi xác định 4 yếu tố để có bộ phim hay: 1 kịch bản; diễn xuất (bao gồm đạo diễn, diễn viên); quay phim và edit (dựng phim). Ở Việt Nam, kịch bản vẫn còn hạn chế, diễn xuất (gồm cả đạo diễn) còn thiếu, chưa mời được đạo diễn có tiếng trên thế giới về hợp tác”- ông Jung Tae Sung nhấn mạnh và đề xuất, Việt Nam cần tạo cơ hội cho những bạn trẻ trong đào tạo.

Ngoài ra, theo ông Jung Tae Sung, Việt Nam cần quản lý hiệu quả hơn nữa việc tải và xem phim lậu. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Trong quá khứ, Hàn Quốc cũng tốn thời gian khá dài để loại bỏ việc xem, tải phim lậu.

Còn theo Lee Jin Sung- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lotte Entertainment Việt Nam: Hơn 20 năm trước, người Hàn Quốc cũng không xem phim Hàn Quốc mà chuộng phim nước ngoài. Đến thời gian phát triển nhất định, họ mới yêu thích phim Hàn. Nhưng những đạo diễn nổi tiếng ở Hàn Quốc không phải bây giờ họ mới làm việc mà đã làm việc cách đây 20 năm- là những dẫn dắt chủ đạo của điện ảnh Hàn Quốc.

Vì vậy, theo ông Lee Jin Sung, năng lực làm phim của người Việt Nam rất tốt có thể đạt ở tầm thế giới nhưng điều kiện tại thị trường Việt Nam vẫn chưa đủ. Để có khán giả trong tương lai thì ngay hôm nay, các nhà làm phim Việt Nam, dù trong hoàn cảnh nào thì vẫn phải làm phim.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà hoạt động điện ảnh đã dành nhiều câu hỏi liên quan đến kinh nghiệm xây dựng Quỹ hỗ trợ điện ảnh, Chính sách của Chính phủ Hàn Quốc về định hướng phát triển điện ảnh; quá trình điều chỉnh, bổ sung các chính sách mới (dỡ bỏ các điều luật “gây cản trở”, thực thi các chính sách huy động tài chính và kinh doanh điện ảnh); đầu tư của Chính phủ dành cho điện ảnh; Công tác đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh (đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên).

Minh Ước

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan