Ngày 14/12, tại TPHCM, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị - hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), khu vực phía Nam.
Cũng như Hội nghị hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phía Bắc ngày 9 tháng 12 năm 2020 tại Hà Nội. Tại Hội nghị hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phía Nam ngày 14 tháng 12 năm 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh lần này gồm 8 chương, 44 điều, với một số điểm mới như: Quy định về nguyên tắc của hoạt động điện ảnh, về vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp lĩnh vực điện ảnh, mở rộng đối tượng được nhập khẩu phim, quy định việc phổ biến phim trên hệ thống truyền hình, việc phổ biến phim trên không gian mạng, cùng nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng dự kiến bãi bỏ một số nội dung tại Luật hiện hành không còn phù hợp. Cùng với đó, các hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn do chưa có sự thống nhất, đồng bộ với nhiều quy định khác, giấy phép còn chồng chéo, quy trình nhiều bước, gây mất thời gian cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất… Ông Vi Kiến Thành Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định: “Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập và cần được nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp, qua đó hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà”.
Ông Vi Kiến Thành Cục trưởng Cục Điện ảnh phát biểu tại Hội nghị. (ảnh Thùy Trang)
Chính vì vậy, năm 2019, Bộ VHTTDL đã trình Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) và được Chính phủ thông qua với 4 chính sách: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, các nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyên khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến. Quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ VHTTDL đã tích cực triển khai và xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Trên tinh thần trách nhiệm và xây dựng từ các vị đại biểu, Hội nghị - Hội thảo Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến, đóng góp thực tế và có giá trị. Các ý kiến tại hội nghị - hội thảo hầu hết nhất trí với các điều khoản của dự thảo, bên cạnh đó các ý kiến cũng đã nêu lên những hạn chế, khó khăn và góp ý về những giải pháp để hoàn chỉnh. Tổng quan về diện mạo điện ảnh TPHCM, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, qua 14 năm thực hiện Luật Điện ảnh và các văn bản có liên quan khác, TPHCM đã thực hiện tốt công tác triển khai, phổ biến và hướng dẫn đầy đủ, kịp thời nội dung đến toàn thể các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nền điện ảnh TP phát triển. TPHCM hiện có trên 100 doanh nghiệp đăng ký và sản xuất phát hành phim, trong đó có khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên. Tính đến nay, TP có 31 cụm rạp chiếu phim với 190 phòng chiếu thuộc 7 doanh nghiệp, phục vụ khoảng 4 triệu lượt khán giả/năm.
Toàn cảnh Hội nghị - Hội thảo Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại TP.HCM. (ảnh Thùy Trang )
Với dự thảo không quy định ràng buộc cơ sở điện ảnh tham gia sản xuất phim, cơ sở điện ảnh tham gia phát hành phim phải thực hiện nghĩa vụ tài chính vào Qũy hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tuy nhiên, Điều 16 khoản 2 điểm c quy định cụ thể cơ sở điện ảnh tham gia phổ biến phim phải thực hiện nghĩa vụ tài chính vào Qũy hỗ trợ phát triển điện ảnh. Nếu nhìn nhận đây là khoản đóng góp vào quỹ thì phải mang tính tự nguyên và tất cả doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện ảnh đều phải góp quỹ. Còn nếu nhìn nhìn nhận đây là một loại thuế áp dụng riêng cho cơ sở điện ảnh tham gia phổ biến phim thì cần có quy định rõ ràng và cụ thể hơn.
Hội nghị - Hội thảo đã diễn ra hết sức sôi nổi, và đã thu về hàng chục ý kiến, tham luận đến từ các nhà sản xuất, đạo diễn, các chuyên gia… Kết thúc Hội nghị - Hội thảo, ông Vi Kiến Thành Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết: “Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập sẽ tiếp tục tổng hợp, tiếp thu ý kiến và tiến hành đăng tải dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL, Trang thông tin điện tử của Cục Điện ảnh trong 60 ngày theo quy định để lấy ý kiến rộng rãi; Gửi Công văn xin ý kiến các Bộ, ban, ngành và các đối tượng chịu tác động của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).”
Duy Vũ tổng hợp