Phát biểu tại buổi làm việc Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, dù đã có Luật Điện ảnh cũng như hệ thống thể chế, cơ chế khuyến khích của Nhà nước rất đầy đủ nhưng trong một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, điện ảnh Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi họp
“Chúng ta thấy có một thực tế là hằng ngày người dân vẫn xem nhiều phim nước ngoài, trên các nền tảng trực tuyến như Netflix, trong khi đó thì phim Việt Nam lại ít được phổ biến trên mạng xã hội. Đó thực sự là điều chúng ta trăn trở, nhìn thấy những bất cập và thấy được yêu cầu phải tìm giải pháp khắc phục”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, đây chính là một “điểm nghẽn” được chỉ ra từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ. Với phương châm làm đến đâu chắc đến đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục Điện ảnh xây dựng Đề án “Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến”.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tinh thần phải tự soi, tự sửa, với một tư duy mới, hành động mới. Đồng thời, người đứng đầu Bộ VHTTDL bày tỏ mong muốn các ý kiến tại cuộc họp này phải nhìn rõ, đi thẳng vào vấn đề đang tồn tại để tìm ra được giải pháp tối ưu trong việc xây dựng, thực hiện Đề án.
Tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà trình bày báo cáo triển khai xây dựng Đề án “Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến”. Bà Hà cho biết, trong thời gian qua, Cục Điện ảnh đã làm việc với một số đơn vị tư vấn hạ tầng mạng viễn thông, phát hành, phổ biến phim trên Internet, đơn vị tư vấn về công nghệ bước đầu nắm bắt thông tin, tiếp cận những vấn đề liên quan đến kỹ thuật hạ tầng công nghệ thông tin và xu hướng vận hành của các kênh trực tuyến, không gian mạng trên thị trường.
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà báo cáo tại buổi họp
Cục Điện ảnh cũng đã tiến hành khảo sát nhu cầu xem phim trực tuyến của người dân tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ở nhiều nhóm tuổi và nghề nghiệp. Qua đó, tìm hiểu về các hình thức xem phim (tại rạp,trên không gian mạng…), về các loại hình, thời gian, chi phí. Đồng thời, Cục đã tổ chức Hội nghị- Hội thảo xây dựng Đề án “Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến” nhằm đánh giá thực trạng hoạt động của thị trường phát hành, phổ biến phim trên nền tảng số và ghi nhận ý kiến của một số nhà mạng viễn thông, công ty cung cấp dịch vụ truyền hình, các nhà quản lý trên không gian mạng về đề án này.
“Đây sẽ là trung tâm chính thống của Nhà nước để phát hành và phổ biến phim Việt Nam, gồm các thể loại phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình…, trở thành nơi lưu trữ và cung cấp nguồn phim do Nhà nước đầu tư đặt hàng sản xuất; là địa chỉ giới thiệu các tác phẩm điện ảnh Việt Nam một cách chính thống đến kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, từ đó góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam…”, báo cáo cho hay.
Cũng theo Cục Điện ảnh, nhiều ý kiến đề nghị cần tiến hành song song đề án số hóa các phim thuộc sở hữu Nhà nước và các đơn vị sản xuất phim tư nhân. Cục cũng đã lấy ý kiến phối hợp và tổng hợp các ý kiến góp ý của các đơn vị chức năng thuộc Bộ và dự thảo đề án.
Hiện số phim sử dụng ngân sách Nhà nước đã số hóa chưa đáng kể. Phim Việt Nam hiện đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam là 7.765 phim nhựa, tương đương 77.750 giờ phim, gồm các loại hình: phim tài liệu, phim hoạt hình, phim truyện Việt Nam. Trong đó, số phim đã in chuyển sang file số định dạng gồm 1818/7765 cuốn, tỉ lệ 23%.
Toàn cảnh buổi họp
Nhiều ý kiến tại cuộc họp khẳng định sự cần thiết sớm xây dựng và ban hành đề án, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của những bộ phim điện ảnh đặc sắc, đặc biệt là những thước phim đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, đây là đề án có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa đến khán giả những tác phẩm giá trị của điện ảnh Việt Nam bằng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh trên nền tảng trực tuyến đang ngày càng phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển. Đề án cũng mang tầm vóc đặc biệt quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Theo Thứ trưởng, để xây dựng và triển khai đề án một cách hiệu quả, có nhiều vấn đề cần quan tâm như chất lượng phim cần đáp ứng yêu cầu khi chuyển định dạng sang file số; các yếu tố kỹ thuật; nguồn nhân lực và đặc biệt là các giải pháp bảo vệ bản quyền.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đề án gắn với phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực điện ảnh. Đặc biệt trong bối cảnh đời sống phát triển hiện nay, các nền tảng trực tuyến bùng nổ và nhu cầu thưởng thức điện ảnh của người xem trên mạng ngày càng lớn. “Chúng ta cần sớm có một trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến để vừa đáp ứng nhu cầu, vừa tạo cơ hội cho công chúng yêu điện ảnh Việt Nam được thưởng thức những tác phẩm phim ảnh nổi tiếng trong từng giai đoạn lịch sử. Cùng với những tác phẩm về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, những tác phẩm điện ảnh sống mãi với thời gian thì cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh cũng cần đề cao vai trò của mình khi dẫn dắt, định hướng sự phát triển trong bối cảnh bùng nổ của các doanh nghiệp điện ảnh tư nhân, trong xu thế xã hội hóa mạnh mẽ của điện ảnh…”, theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận nỗ lực của Cục Điện ảnh trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị và xây dựng dự thảo Đề án này. Bộ trưởng một lần nữa khẳng định đây là Đề án mới, khó và đề nghị Cục Điện ảnh, các đơn vị liên quan cần phải cập nhật những điểm mới, điều luật liên quan đến phát hành và phổ phim trực tuyến tại Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.
Về cơ sở pháp lý, quá trình xây dựng Đề án phải bám sát chủ trương của Đảng liên quan đến lĩnh vực Điện ảnh như: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương liên quan đến lĩnh vực điện ảnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu cần có đánh giá thêm về vấn đề phổ biến phim trên phương tiện truyền thông để có sự so sánh. Từ đánh giá đó, làm rõ những khó khăn, thách thức đang đặt ra. Cách nhận định tình hình phải đúng, sát thực tiễn.
Về quan điểm, mục tiêu tiếp cận của Đề án, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta xây dựng mục tiêu của đề án theo hướng người Việt yêu phim Việt. Trong mục tiêu phải có mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể. Theo đó, trong mục tiêu tổng quát, Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến khi ra đời sẽ góp phần vào nhiệm vụ chấn hưng, phát triển điện ảnh, để điện ảnh thực sự phát huy những giá trị của môn nghệ thuật thứ bảy, là ngành quan trọng trong công nghiệp văn hóa”.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, cơ chế chính sách liên quan đến điện ảnh hiện nay đã đầy đủ. Nguồn lực cần phải tính toán rõ và cụ thể, có phân kỳ đầu tư.
Về giải pháp tổ chức thực hiện, Bộ trưởng đề nghị Cục Điện ảnh đề xuất lựa chọn đơn vị thực hiện. Bên cạnh đó, cần trao đổi nghiệp vụ với các đơn vị dự kiến sẽ phối hợp. Sau đó, xin ý kiến các cơ quan như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông...
Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục Điện ảnh tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện dự thảo Đề án vào cuối tháng 9, chậm nhất 15.10 phải triển khai lấy ý kiến các Bộ, ngành.
Minh Ước