Từ thực tiễn quản lý nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh kiến nghị, do tốc độ phát triển công nghệ và nội dung trên môi trường internet ngày càng nhiều, phim được phát hành, phổ biến trên các nền tảng xuyên biên giới, nên cần phải có hệ thống quản lý bằng công nghệ cao hơn; áp dụng phương án hậu kiểm gắn với các biện pháp kỹ thuật tương ứng.
Chiều 1.12, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, về việc phát hành và phổ biến phim trên truyền hình, internet và các phương tiện truyền thông khác.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa phát biểu tại buổi làm việc.
Theo báo cáo, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh thường xuyên và chủ động phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị liên quan phối hợp quản lý, xử lý hành vi, vụ việc liên quan đến tranh chấp sở hữu trí tuệ về âm nhạc, bản quyền phim và ảnh nghệ thuật… theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07 năm 2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác tác và quyền liên quan trên môi trường internet và mạng viễn thông.
Từ thực tiễn quản lý nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh kiến nghị, do tốc độ phát triển công nghệ và nội dung trên môi trường internet ngày càng nhiều, phim được phát hành, phổ biến trên các nền tảng xuyên biên giới, nên cần phải có hệ thống quản lý bằng công nghệ cao hơn; áp dụng phương án hậu kiểm gắn với các biện pháp kỹ thuật tương ứng. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có biện pháp và phương án phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh trong quản lý việc phát hành và phổ biến phim trên các phương tiện truyền thông.
Tổng giám đốc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh Dương Thanh Tùng cho rằng cần có phương án quản lý phim trên nền tảng số.
Trong lĩnh vực phim truyền hình, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh có hãng phim truyền hình (TFS) với bề dày truyền thống gần 30 năm, đã sản xuất nhiều bộ phim gây tiếng vang. Hiện Đài chưa hợp tác, liên doanh với các tổ chức, cá nhân nước ngoài cùng sản xuất phim, mà chỉ thẩm định, duyệt và khai thác bản quyền từ một số bộ phim truyền hình do đối tác bên ngoài sản xuất. Các công ty đối tác sẽ liên hệ với nhà cung cấp lấy giấy chứng nhận chủ sở hữu bản quyền, tóm tắt nội dung phim và phim mẫu gửi Ban biên tập Số & Cáp thẩm định. Nếu phim có thể chiếu được trên kênh của Đài thì Đài ủy quyền cho đối tác thay mặt Đài nhập phim về phát sóng trên kênh của Đài hợp tác với đối tác.
ĐBQH Lưu Thành Công, thành viên Đoàn khảo sát, quan tâm tới cơ chế đặt hàng đối với sản xuất phim điện ảnh và phim truyền hình.
Việc thẩm định, phân loại phim phát trên hệ thống truyền hình (phim Việt Nam và phim nhập khẩu) và trên các nền tảng khác của Đài do Đài và đối tác thống nhất phân loại, chủ yếu dựa trên thể loại sẵn có của các phim, bổ sung phân chia theo lứa tuổi. Ban biên tập các chương trình truyền hình Số & Cáp là đơn vị được giao trách nhiệm thẩm định, tóm tắt nội dung các phim sẽ phát sóng trong tháng theo lịch phát sóng mà đối tác gửi. Những phim không phù hợp thì yêu cầu đối tác thay phim khác hoặc cắt sóng. Ngoài ra có bộ phận theo dõi sóng, theo dõi các chương trình đang phát sóng để có những xử lý như: cắt sóng, thay chèn chương trình khác nếu phát không đúng theo yêu cầu.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng hiện nay, lãnh đạo Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần có phương án quản lý phim trên nền tảng số; đồng thời việc sửa đổi Luật Điện ảnh phải bảo đảm tạo hành lang pháp lý để điện ảnh phát triển, phục vụ nhiều mục đích, nhiều đối tượng.
Đoàn khảo sát mong muốn có cơ chế phối hợp để đưa điện ảnh lên nền tảng mà người dân dễ tiếp cận nhất; đồng thời phát huy vai trò của điện ảnh trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.