Page Banner

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Dưới "ánh sáng" của Đề cương về văn hóa Việt Nam, quá trình phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam đã có những bước tiến tích cực

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Dưới "ánh sáng" của Đề cương về văn hóa Việt Nam, quá trình phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam đã có những bước tiến tích cực

27/02/2023
In trang
Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), ngày 27/2/2023, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo trung tâm tại Hội thảo

Hội thảo do Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến 63 tỉnh/ thành phố.

Chủ trì Hội thảo có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn.

Khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn, nguyên tắc cốt lõi

Trình bày báo cáo trung tâm tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, vào thời điểm này 80 năm về trước, Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng (diễn ra từ ngày 25- 28/02/1943 tại Võng La, Đông Anh, Phúc Yên, nay thuộc Hà Nội) đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, văn kiện đầu tiên của Đảng ta về văn hoá.

40 năm sau, Tổng Bí thư Trường Chinh nhận định: "Đề cương về văn hóa Việt Nam không dài, có nhiều hạn chế, vì trong hoàn cảnh bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam… Nhưng Đề cương về văn hóa đã thâu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong điều kiện lúc đó của cách mạng Việt Nam".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa), thể hiện tư duy, tầm nhìn, và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa. Từ điểm khởi nguồn này, trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Chính vì vậy, Hội thảo là dịp để nhìn lại và khẳng định giá trị lý luận, nguyên tắc cốt lõi, giá trị thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam, từ đó đề ra những định hướng, giải pháp khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực chấn hưng văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

Đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng

Làm rõ một số vấn đề nhằm nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn giá trị lý luận của Đề cương về văn hóa Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Đề cương mở đầu với phần Cách đặt vấn đề, trong đó xác định rõ phạm vi và nội hàm của văn hóa bao gồm ba thành tố cơ bản là "tư tưởng", "học thuật" và "nghệ thuật".

Trên cơ sở vận dụng phương pháp luận Mác- xít, Đề cương đã khẳng định tính tất yếu của mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố cơ bản của văn hóa. Các hoạt động về tư tưởng, học thuật và nghệ thuật thẩm thấu, bổ sung, chi phối lẫn nhau để tạo nên tổng thể nền văn hóa dân tộc thì toàn bộ nền văn hóa đó cũng chính là một "mặt trận", có mối quan hệ ngang hàng, hữu cơ, mật thiết với mặt trận kinh tế và chính trị.

Xuất phát từ luận điểm có tính chất nền tảng này, đối với yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa, Đề cương tiếp tục khẳng định mặt trận văn hóa sẽ phát huy vai trò then chốt của mình thông qua cuộc cách mạng văn hóa với 3 nguyên tắc vận động căn bản, gồm: "dân tộc hóa", "đại chúng hóa" và "khoa học hóa".

Ngoài mối quan hệ khăng khít, hữu cơ với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, "nền văn hóa mới" mà Đề cương xác lập còn thể hiện giá trị lý luận cấp tiến khi đặt con người ở vị trí trung tâm. Vị thế của con người nằm ở vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa, văn nghệ; và quan trọng là quần chúng nhân dân chính là chủ thể của văn hóa, là lực lượng sáng tạo, trao truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa.

Cũng từ góc nhìn của chủ nghĩa Mác, Đề cương về văn hóa Việt Nam coi văn hóa như một lĩnh vực không ngừng biến đổi, với sự nối tiếp liên tục từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Văn hóa hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của con người. Văn hóa bám rễ vào cội nguồn lịch sử và không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bồi đắp và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Thái độ khoa học, tiến bộ này của Đề cương cung cấp cho chúng ta một nền tảng lý luận quan trọng về động năng và tính kế thừa của văn hóa.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, với những tư tưởng, quan điểm ngắn gọn, súc tích đó, Đề cương về văn hóa Việt Nam "là một văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng Việt Nam". Ba năm sau ngày Đề cương ra đời, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được khai mạc vào ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc thông qua lời khẳng định "Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ", "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Kể từ thời điểm này cho tới năm 1975, đường lối văn hóa kháng chiến - kiến quốc dần hình thành và hoàn thiện dựa trên nền tảng căn bản mà Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã đề ra.

Sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt kể từ khi bước vào công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, cùng với các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, chính trị, từ sự kế thừa các giá trị về lý luận của Đề cương để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và phát triển về văn hoá, nhận thức của Đảng về vai trò, vị thế của văn hóa cũng như các mục tiêu phát triển văn hóa cụ thể đã có những chuyển biến rõ rệt trước yêu cầu và đòi hỏi của tình hình mới.

Theo đó, "Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" (năm 1991), Đảng ta đã xác định, chúng ta cần xây dựng "nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII (1993) Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998), tới Nghị quyết số 33-NQ/TW nhấn mạnh mục tiêu "xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Dưới "ánh sáng" của Đề cương về văn hóa Việt Nam, quá trình phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam đã có những bước tiến tích cực

Và tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định "... Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên".

"Như vậy, trải qua 80 năm, trước những biến động không ngừng của bối cảnh lịch sử và các yêu cầu phát triển mới liên tục xuất hiện, các luận điểm, cũng như quá trình chuyển dịch từ ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng của nền văn hóa cách mạng vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong từng giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước đã cho thấy giá trị và tầm ảnh hưởng lớn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam với vai trò một cương lĩnh khởi nguồn cho việc xác lập và hoàn thiện tư duy lý luận về phát triển văn hóa, phát triển con người ở Việt Nam.

Kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống đã có những chuyển biến tích cực

Cũng theo Bộ trưởng, bên cạnh những giá trị quý báu về nền tảng lý luận, nguyên tắc cốt lõi, những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam còn có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt 8 thập niên qua.

Thứ nhất là hệ thống văn bản do Đảng, Nhà nước ban hành đã từng bước tạo ra cơ sở chính trị, pháp lý nhất quán, hình thành môi trường thể chế có khả năng điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể văn hóa theo hướng hài hòa, lành mạnh giúp phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và chủ thể sáng tạo của nhân dân.

Thứ hai là, ngay từ khi Đề cương ra đời, với việc đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hóa đã cho thấy phát triển con người và phát triển văn hóa là hai mục tiêu gắn kết, không thể tách rời nhau. Từ nền tảng tinh thần của Đề cương trong nhiều thập kỷ đã định hướng xây dựng một số chuẩn mực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam, trong đó tập trung trong bốn giá trị cốt lõi là "Trí - Đức - Thể - Mỹ", bao gồm cả các giá trị truyền thống (yêu nước, nhân ái, đoàn kết....) và giá trị hiện đại (năng lực sáng tạo, tôn trọng pháp luật...) và nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam đã từng bước được thể chế hóa, đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật, quy ước, hương ước làng, xã, quy chế, quy tắc, nội quy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức.

"Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới, với tăng trưởng trung bình HDI ở mức 1,36%/năm trong giai đoạn từ năm 1990 đến nay" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ ba, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, vận dụng các nguyên tắc của Đề cương Văn hóa Việt Nam, trong suốt những thập niên qua, việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế đã từng bước được xác lập và vận hành trên thực tế góp phần gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Thông qua Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam và Chương trình quốc gia về văn hóa qua các giai đoạn, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm, đạt nhiều kết quả, các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư đồng bộ… Nhiều di tích được trùng tu, nâng cấp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, bằng văn hóa và từ văn hoá, hình ảnh đất nước Việt Nam "an toàn - thân thiện - hiền hòa - mến khách - hội nhập - phát triển" với nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến…

Thứ tư là việc gắn kết văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội có chuyển dịch tích cực về nhận thức và hành động. Minh chứng điển hình cho nỗ lực hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI chính là việc ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc kiến tạo môi trường thể chế thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hóa khai thác và chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ có sức hấp dẫn. Theo thống kê, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam ước đạt 3,61% GDP năm 2018.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhìn lại tám thập niên qua, dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, quá trình phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam đã có những bước tiến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam, một số hạn chế trong vận dụng giá trị và nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa vẫn đang tồn tại khiến cho các quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thực sự thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân; Việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa và con người có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra và còn thiếu khoa học, đồng bộ; công tác cán bộ của lĩnh vực văn hóa (quản lý văn hoá, đội ngũ văn nghệ sỹ) vẫn chưa được quan tâm đúng mức; Cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ.

Quang cảnh Hội thảo

Sự tham gia của các chủ thể cấp cơ sở, đặc biệt là những người chịu tác động trực tiếp của hệ thống thể chế, chính sách, còn mang tính hình thức; Môi trường văn hóa có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp; Nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế còn chưa được hài hòa; Bất cập trong cơ chế chính sách chưa cải thiện hiệu quả.

Đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Trên cơ sở nhìn lại giá trị lý luận, giá trị thực tiễn và những tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện Đề cương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề xuất một số định hướng và giải pháp phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Theo đó, nhằm hiện thực hóa đường lối của Đảng "đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị con người Việt Nam", Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (2021) về "…tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi" và đi sâu tạo đột phá về thể chế, chính sách trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, việc kế thừa, phát huy các giá trị, nguyên tắc của Đề cương về văn hóa trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo hướng bền vững là vô cùng quan trọng và thiết thực.

Đặc biệt, nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tế như: nguy cơ cạn kiệt về tài nguyên, nguy cơ bất bình đẳng xã hội, những hiểm họa do biến đổi khí hậu gây ra như thiên tai, dịch bệnh, suy giảm đa dạng sinh học; nguy cơ phai nhạt bản sắc văn hóa và những áp lực cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, việc vận dụng khách quan, phát huy hiệu quả giá trị và nguyên tắc Đề cương trong bối cảnh mới là vô cùng cần thiết theo hướng phát huy tối đa vai trò của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội.

Cùng với đó là tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020;

Kiên trì thực hiện quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa". Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đảm bảo sự đồng bộ, cộng hưởng với quy định pháp luật về văn hóa. Tiếp tục tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Nghiên cứu hệ giá trị con người Việt Nam để xây dựng, phát triển con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Phát triển con người gắn với chăm lo và đề cao văn hóa gia đình; đề cao văn hóa trong nhà trường; đề cao văn hóa trong xã hội, lan tỏa những giá trị truyền thống, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu" "lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực".

Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Tập trung phát triển các loại hình nghệ thuật, từ nghệ thuật đại chúng đến nghệ thuật bác học theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Phát huy tối đa vai trò của nhân dân với tư cách là chủ thể của sáng tạo và phát triển văn hóa.

Xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa và triển khai ứng dụng định kỳ để đo lường, đánh giá và giám sát sự đóng góp và tăng trưởng của lĩnh vực văn hóa trong tổng thể phát triển quốc gia. Không để tụt hậu và từng bước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá, du lịch.

Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trên tinh thần đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài và bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, vượt lên trên tất cả những khó khăn, thách thức, tư tưởng xây dựng nền văn hóa mới vì dân tộc, đại chúng với một thái độ khách quan, đúng đắn, khoa học của Đề cương đã luôn tạo sức hút, sức thuyết phục và khả năng quy tụ mạnh mẽ tri thức, tâm huyết khát vọng cống hiến của toàn thể nhân dân Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử cách mạng.

Vì bản chất cốt lõi của văn hóa chính là "một mặt trận", là "ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi", là "sức mạnh nội sinh", là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước" như Đề cương về văn hóa Việt Nam, cùng các văn kiện của Đảng đã khẳng định. Đặc biệt, phát triển văn hóa theo quan điểm mà Đảng ta đã đề ra luôn hướng tới sự toàn diện và hài hòa, trong đó nhân tố con người nắm giữ vị trí then chốt.

Do đó, việc tiếp tục tạo ra được sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam, với tư cách là một trụ cột của sự phát triển, là trung tâm của sự phát triển, là sức mạnh mềm văn hóa trong cấu trúc sức mạnh tổng thể quốc gia, rõ ràng không còn là giải pháp riêng của ngành văn hóa mà cần phải là giải pháp tổng thể của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Đảng.

Trong đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, việc đầu tư cho văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua các giải pháp đồng bộ có khả năng khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam theo hướng bền vững.

"Đây chính là kết quả nhận thức có được từ việc kế thừa, phát huy một cách khoa học nền tảng, giá trị mang ý nghĩa khởi nguồn của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định./.

Theo bvhttdl.gov.vn

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan