Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân, đạo diễn của nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng, là người nghệ sĩ đã góp công lớn xây dựng và phát triển nghệ thuật hoạt hình Việt Nam đã thanh thản nhẹ bước đường trần vào chiều 15/9/2021, hưởng thọ 87 tuổi.
Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân sinh năm 1934 tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ông vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1997 và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
NSND Ngô Mạnh Lân (Nguồn ảnh: báo giao thông)
Ông là học viên nhỏ tuổi nhất tại khoá học đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc do họa sĩ Tô Ngọc Vân phụ trách, lịch sử mỹ thuật Việt Nam thường gọi là Khóa Kháng chiến. Tốt nghiệp, ông vào phục vụ trong quân đội, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và có nhiều ký họa trên đường kháng chiến. Ngay sau khi hoà bình lập lại, năm 1955, ông được cử đi học Thiết kế Mỹ thuật hoạt hình tại Học viện Điện ảnh Quốc gia toàn Liên bang (VGIK) tại Liên Xô cũ. Tốt nghiệp loại xuất sắc năm 1962, ông trở về nước làm việc tại Xưởng phim Hoạt họa búp bê Việt Nam, nay là Công ty Cổ phần Hãng phim hoạt hình Việt Nam.
Năm 1963, ông cho ra mắt bộ phim hoạt hình đầu tiên mang tên “Một ước mơ”. Trong thời gian từ năm 1963 đến năm 1995, ông đã thực hiện 14 bộ phim hoạt hình để lại nhiều dấu ấn với công chúng và đạt nhiều giải thưởng cao quý của quốc gia và quốc tế. Điều đặc biệt, ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, từ trong khói lửa chiến tranh, ông đã sáng tạo nên những bộ phim kinh điển về nghệ thuật, đồng thời lập những kỷ lục cho đến nay chưa có bộ phim hoạt hình nào vượt qua. Bộ phim hoạt hình búp bê “Chuyện Ông Gióng” đã đoạt giải Bồ Câu Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức (1970), tổ khúc nhạc phim là một trong những tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Bộ phim hoạt hình cắt giấy “Thạch Sanh” (1976) với độ dài hơn 43 phút hiện nay vẫn chưa có bộ phim hoạt hình Việt Nam nào có thể vượt qua về độ dài.
Ngay tại Liên hoan Phim Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1970, ông đã đoạt 02 giải Bông Sen Vàng cho các bộ phim “Mèo con”, “Con sáo biết nói” và 01 giải Bông Sen Bạc cho bộ phim “Những chiếc áo ấm”. Tiếp ngay sau đó, tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ II năm 1973 bộ phim “Chuyện Ông Gióng” đoạt giải Bông Sen Vàng, đây là thành tích đặc biệt xuất sắc đến nay cũng chưa có đạo diễn nào vượt qua. Ngoài ra, tại các kỳ Liên hoan Phim Việt Nam tiếp theo, ông còn dành thêm 3 giải Bông Sen Bạc cho các phim “Rừng hoa” (1975), “Bước ngoặt” (1983), “Trê cóc” (1996).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó đang là Thủ tướng) thăm Triển lãm ký hoạ “ Nét thời gian” năm 2019. Ảnh: TTXVN
Vượt lên tất cả, mỗi bộ phim của ông đều như một cuốn sách giáo khoa về cách làm phim búp bê, phim cắt giấy; để lại cho các thế hệ học trò về lòng yêu nghề, sự cẩn trọng nghiêm túc với nghề, một tấm gương đạo đức cao quý của một người Nghệ sĩ, một Người Thầy của rất nhiều thế hệ học trò, đó chính là giá trị lớn nhất từ cuộc đời và sự nghiệp ông đã để lại cho Nghệ thuật hoạt hình Việt Nam và học trò nhiều thế hệ.
Ông là một trong các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam có ảnh được đặt tại Học viện Điện ảnh Quốc gia toàn Liên bang (VGIK) do những thành tích xuất sắc trong học tập và có tên trong Từ điển bách khoa toàn thư Liên Xô từ năm 1986. Ông cũng là một trong rất ít những nghệ sĩ điện ảnh đi đầu trong nghiên cứu khoa học và đạt học vị Tiến sĩ từ năm 1984. Ông là tác giả của phần nghiên cứu công phu về Phim hoạt hình Việt Nam từ năm 1959-1975, Phim hoạt hình Việt Nam từ năm 1975-2003 của bộ sách Lịch sử Điện ảnh Việt Nam nhân Kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam (1953-2003). Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghệ thuật, ông đã tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học, viện nghiên cứu khoa học, góp công lớn trong việc đào tạo đội ngũ những người làm phim hoạt hình ngày nay và đào tạo nhiều Thạc sĩ, Tiến sĩ Nghệ thuật.
Với những đóng góp to lớn cho nền điện ảnh và phim hoạt hình Việt Nam, Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (1997), Huân chương Lao động hạng Nhất (1998), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007).
Không chỉ là một Đạo diễn phim hoạt hình, Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, ông còn là một Họa sĩ, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh sự nghiệp lớn về phim hoạt hình, ông đã để lại một khối gia tài đồ sộ về hội họa và đồ họa có giá trị về lịch sử và nghệ thuật. Những bức ký họa kháng chiến, tranh sơn dầu trong thời gian học ở Nga đã sớm cho thấy tài năng toàn diện của ông. Dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật điện ảnh, nhưng những bức tranh, những tác phẩm đồ họa với rất nhiều thể loại: tranh cổ động, bìa tem, bìa sách, truyện tranh ghi dấu những chặng đường lịch sử, phát triển của đất nước đã cho thấy tài năng sáng tạo, sức làm việc, sự cống hiến vô cùng to lớn của ông cho văn học nghệ thuật nước nhà.
Gia đình ông cả ba thế hệ đều có những đóng góp xuất sắc cho Điện ảnh Việt Nam: Người vợ tào khang NSND Ngọc Lan, nổi tiếng với vai diễn trong phim “Lửa trung tuyến” của Đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa, là nữ diễn viên Việt Nam duy nhất có vinh dự kéo cờ tại Liên hoan Phim Quốc tế Moscow năm 1961, cũng là nơi ông bà gặp mối duyên bền chặt suốt cuộc đời. Con gái đầu của ông bà là Nhà lý luận phê bình, Tiến sĩ Nghệ thuật Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2012); cháu ngoại là Đạo diễn Điện ảnh trẻ Đinh Tuấn Vũ đã sớm có những tác phẩm điện ảnh được ghi nhận. Ông bà có một gia đình hạnh phúc trọn vẹn với con gái, con trai, dâu rể, các cháu đều thành đạt và luôn tự hào về người chồng, người cha, người ông của đại gia đình. Ông đã có những năm tháng tuổi già thảnh thơi bên con cháu cùng người vợ tài sắc, đảm đang.
Kính cẩn tiễn đưa ông về nơi yên nghỉ cuối cùng, luôn nhớ tới nụ cười hiền của ông, tấm lòng trìu mến và tình yêu thương ông để lại cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, học trò và rất nhiều thế hệ khán giả, bạn đọc nhỏ tuổi qua những tác phẩm đi cùng năm tháng./.
Nguyễn Thị Thu Hà