Khởi chiếu phim truyện điện ảnh “Bình minh đỏ”

26/04/2022
In trang
Ngày 23/4, vừa qua, Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức buổi ra mắt bộ phim “Bình minh đỏ” tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội). Bộ phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, Cục Điện ảnh là đơn vị quản lý dự án và Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam là đơn vị thực hiện.

Chia sẻ về bộ phim, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết, "Bình minh đỏ" là một trong số ít phim chiến tranh cách mạng được đầu tư sản xuất trong thời gian gần đây và là kết quả từ sự quyết tâm lớn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội Điện ảnh Việt Nam cũng như tập thể các nghệ sĩ, diễn viên. Cách đây đúng 1 năm, khi tình hình dịch bệnh do COVID-19 phức tạp, những thước phim đầu tiên của "Bình minh đỏ" được khởi quay trong nắng gió của miền Trung. Làm phim về sự cống hiến, hy sinh của thế hệ một thời trong khi xung quanh những người làm phim cũng bị bao phủ bởi những bất an, lo lắng và cả những cái chết do đại dịch, nhưng sau hơn 1 tháng đoàn làm phim tận tâm, tận lực, cùng một quá trình nỗ lực chuẩn bị và hoàn tất các công đoạn sản xuất, "Bình minh đỏ" đã được hoàn thành.
 

Phim khai thác câu chuyện có thật về các nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ

Bộ phim lấy cảm hứng từ những chiến công và gương chiến đấu anh dũng của Trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn; đồng thời  tôn vinh những nữ chiến sĩ lái xe anh hùng và những người lính đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do dân tộc.
Sau tết Mậu Thân 1968, chiến sự ngày càng khẩn trương, ác liệt. Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách. Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong để đào tạo lái xe vận tải trung chuyển cho chiến trường. Trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh ra đời với tuyến hoạt động chủ yếu từ Bến Thủy (Nghệ An) đến Tây Trường Sơn.
Chuyện phim xoay quanh 4 nhân vật Châu, Hân, Sa, Thương là những cô gái còn rất trẻ được giao nhiệm vụ lái xe vận chuyển hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến và chở thương bệnh binh, tử sĩ từ các chiến trường về hậu phương. Mỗi cô gái tuổi đôi mươi ấy đến chiến trường từ những hoàn cảnh riêng, nhưng đều chung quyết tâm không sợ gian khổ, hy sinh, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho thắng lợi cuối cùng. Chứng kiến tình đồng chí cao cả, tinh thần quả cảm của đồng đội chấp nhận hi sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ trong những chuyến xe ngày đêm xuyên qua mưa bom bão đạn, các cô gái đã nhanh chóng trưởng thành, vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để cùng sát cánh bên nhau trên những cung đường ác liệt.
 

Cảnh phim "Bình minh đỏ".

Với những người chiến sĩ ấy, cái chết là sự lựa chọn, là nhiệm vụ vinh quang, dẫu họ cũng tiếc cuộc sống, tiếc tuổi trẻ như câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo "Những tuổi 20 làm sao không tiếc/Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc".
Bởi vậy, như Hân, khi kẻ thù dội bom nổ chậm xuống suối, đúng đoạn đường vận chuyển của quân ta, để kích bom nổ, phải thử lái xe qua với một khoảng cách nhất định. Xa quá thì bom không nổ, mà gần quá thì khả năng hy sinh rất lớn. Nhận nhiệm vụ cũng đồng nghĩa với việc nhận về mình sự hy sinh, nhưng để nhanh chóng thông đường, nhanh đưa cuộc kháng chiến giành thắng lợi, những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi không tiếc đời mình. Tương tự như Hân, anh trai của Châu cũng vậy, nhận nhiệm vụ phá bom và hy sinh.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, lần lượt sự hi sinh của Hân, Thương, Sa và anh trai đã để lại nỗi đau lớn đối với Châu. Nhưng với lòng quyết tâm và ý chí mạnh mẽ, Châu đã tiếp tục ra chiến trường để thực hiện nhiệm vụ còn dang dở trên những cung đường Trường Sơn khói lửa, góp phần vào công cuộc giải phóng và thống nhất đất nước.
Bình minh đỏ khắc họa sự hy sinh một cách khá trực diện, gây xúc động cho người xem. Đó là cảnh xe của Hân nổ tung khi lao vào đúng vị trí của bom nổ chậm; đó là cảnh Thương hy sinh được Sa buộc vào xe chở về trong cơn mưa rừng tầm tã; đó là Sa với thân hình bốc cháy dữ dội khi xe bị trúng bom… Đó là những nốt trầm sâu lắng của khúc tráng ca Bình minh đỏ. Bởi dù khắc họa sự hy sinh, nhưng cả bộ phim không bị lụy. Bình minh đỏ tỏa sáng khát vọng của những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi, khát vọng yêu thương giữa cuộc chiến khốc liệt và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để đất nước được thống nhất, hòa bình.
Chúc mừng đoàn phim Bình minh đỏ, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú chia sẻ: "Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để thực hiện bộ phim trong một bối cảnh đặc biệt. Một bộ phim đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng ra mắt công chúng vào dịp kỷ niệm 30/4 và 1/5 sẽ chia sẻ những thông điệp vô cùng ý nghĩa, để thế hệ ngày hôm nay thêm trân quý giá trị lớn lao của cuộc sống hòa bình".
Bộ phim Bình minh đỏ do Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất năm 2021 trong tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát phức tạp và vừa giành Giải thưởng Ban Giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 tại thành phố Huế.
Bộ phim sẽ được công chiếu trên toàn quốc nhân kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2022).
Minh Ước

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan