Giai đoạn những năm 50 - Thủa sơ khai
Ngày 15/3/1953 tại Ðồi Cọ, bản Bắc, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Trước đó, vào năm 1947, điện ảnh Khu 8, Khu 7 đã thành lập ở Nam Bộ và cho ra đời những thước phim tài liệu chiến trường đầu tiên như Trận Mộc Hóa (năm 1948), Chiến dịch Bến Tre, Chiến dịch Trà Vinh, Chiến dịch La Ban - Cầu Kè (1950), Chiến dịch Bến Cát, Trận Bùng Binh, Trận Trảng Bàng, Trận Trảng Bom,...
Năm 1959, bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên Chung một dòng sông đã ra đời, lấy bối cảnh là dòng sông Bến Hải và câu chuyện tình yêu của đôi trai gái bị chia cắt qua vĩ tuyến 17. Phim do các đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân (tức Phạm Kỳ Nam) thực hiện.
Những năm 60 - Đi cùng cuộc chiến giải phóng dân tộc
Năm 1960 đánh dấu sự xuất hiện của bộ phim hoạt hình đầu tiên Đáng đời thằng cáo. Tiếp đó là các phim Chiếc vòng bạc, Chú thỏ đi học…
Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1975, điện ảnh Việt Nam chủ yếu sản xuất phim tài liệu và phim truyện dựa trên các đề tài về chiến tranh, sản xuất và lao động ở miền bắc. Điện ảnh thời kỳ này có nhiều tác phẩm nổi bật như Vợ chồng A Phủ (1961), Lửa trung tuyến (1961), Chim vành khuyên (1962), Chị Tư Hậu (1963), Kim Đồng (1964), Nổi gió (1966), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Đến hẹn lại lên, Em bé Hà Nội (1974)... Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngành điện ảnh đã bám sát và có nhiều tác phẩm mô tả cuộc chiến anh dũng của quân và dân ta, với những tác phẩm có giá trị như Thành phố lúc rạng đông, Ðường tới thành phố, Những bước đường thắng lợi, Sài Gòn tháng 5-1975, Qua cầu Công Lý, Sài Gòn vui chiến thắng,... Trong 15 năm (từ 1960 đến 1975) gần 300 cán bộ, nghệ sĩ điện ảnh đã hy sinh...
Giai đoạn cuối những năm 60 - Khởi đầu những giải thưởng
Năm 1969, Hội Điện ảnh Việt Nam thành lập sau kỳ Đại hội đầu tiên.
Giai đoạn này nhiều phim giành giải thưởng cao tại các Liên hoan phim quốc tế như Lũy thép Vĩnh Linh của đạo diễn Ngọc Quỳnh đạt huy chương vàng Liên hoan phim Moskva năm 1971, Đầu sóng ngọn gió của đạo diễn Ngọc Quỳnh, Du kích Củ Chi của đạo diễn Trần Nhu, Đường ra phía trước của đạo diễn Hồng Sến cũng thành công tại các kỳ Liên hoan phim Moskva. Những người dân quê tôi của đạo diễn Trần Văn Thủy đoạt giải Bồ Câu Bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig năm 1970...
Từ năm 1970, Liên hoan phim Việt Nam bắt đầu được tổ chức và định kỳ hai hoặc ba năm một lần. Lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội, có khoảng 60 tác phẩm điện ảnh được trao giải Bông sen vàng, trong đó có Nổi gió, Người chiến sĩ trẻ và Nguyễn Văn Trỗi.
Giai đoạn sau năm 1975 - Ổn định và phát triển
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, điện ảnh đã có những tác phẩm với đề tài đa dạng hơn, xoay quanh cuộc chiến vừa kết thúc, công cuộc lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới ở cả hai miền. Một số phim đáng chú ý thời kỳ này là Cô Nhíp, Ngày lễ thánh, Sao tháng tám (1976), Mối tình đầu (1977), Mùa gió chướng (1978), Mẹ vắng nhà (1979)... và Cánh đồng hoang (1979).
Ngoài 350 rạp chiếu phim, điện ảnh còn được phố biến nhờ 1.400 đội chiếu bóng lưu động.
Sang thập niên 1980, đề tài làm phim đã đa dạng hơn rất nhiều. Một số tác phẩm chuyển thể từ văn học sang đã rất được yêu thích và làm nên tên tuổi nhiều diễn viên như Chị Dậu (1980) và Làng Vũ Đại ngày ấy (1983)với các diễn viên Lê Vân, Bùi Cường, Đức Hoàn. Một số phim khác đáng chú ý như Thị xã trong tầm tay (1982), Bao giờ cho đến tháng Mười (1984) và Cô gái trên sông (1986), Ván bài lật ngửa (1982-1987)…
Giai đoạn những năm 80 - Khởi đầu điện ảnh thị trường
Thời kỳ đổi mới sau thập niên 80, điện ảnh rơi vào khủng hoảng do không còn được bao cấp. Xuất hiện dòng phim “mì ăn liền”, đề tài gần gũi với số đông, dễ ăn khách như Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Tráng sĩ Bồ Đề, Tóc gió thôi bay, Nước mắt học trò... Dòng phim này kéo theo một thế hệ diễn viên ngôi sao mới như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Thái San, Y Phụng, Công Hậu, Thu Hà...
Giai đoạn những năm 90 - phim nghệ thuật lên ngôi
Đến giữa thập niên 1990, do nhu cầu và thị hiếu khán giả thay đổi, dòng phim này bắt đầu đi xuống. Thay vào đó là một số phim dựa trên tác phẩm văn học như Người đi tìm dĩ vãng, Đêm hội Long Trì, Tình khúc 68, Vị đắng tình yêu… Giai đoạn này cũng đánh dấu một số phim hợp tác với nước ngoài như Người tình và Đông Dương. Đông Dương đã được trao giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 1992.
Năm 1994, Giải thưởng đầu tiên của Hội Điện ảnh ra đời, là tiền thân của giải Cánh diều vàng hiện nay. Cơ cấu giải ban đầu chỉ trao cho các tác phẩm phim điện ảnh, truyền hình và các công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình của hội viên trong năm.
Cuối thập niên 90, điện ảnh Việt bắt đầu thoát dần khỏi khủng hoảng, đánh dấu sự trở lại của dòng phim nghệ thuật với Hà Nội, Mùa đông năm 1946, Ngã ba Đồng Lộc, Đời cát, Ai xuôi Vạn Lý…, đã có những phim mang đề tài xã hội, gần gũi với cuộc sống như Những người thợ xẻ, Thung lũng hoang vắng, Vua bãi rác…
Giai đoạn những năm 2000 - Điện ảnh phá cách
Năm 2000, Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức ở Hà Nội. Điện ảnh Việt Nam đã giành được nhiều giải quan trọng: Phim hay nhất cho Đời cát của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, hai diễn viên Mai Hoa và Hồng Ánh trong Đời cát đạt hai giải dành cho nữ diễn viên chính và nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Đầu thập niên 2000, phim thương mại trở lại với sự mạnh dạn của cả phim Nhà nước và phim tư nhân. Đạo diễn Lê Hoàng làm bùng nổ các rạp chiếu với Gái nhảy và hàng loạt phim sau đó. Đây là những phim đạt doanh thu rất cao (Gái nhảy là 12 tỷ đồng) tính vào thời điểm bấy giờ. Phim tư nhân ra đời cũng được đầu tư mạnh dạn về hình ảnh, diễn viên và chiến dịch quảng bá, tiêu biểu là Những cô gái chân dài.
Năm 2002, giải thưởng của Hội Điện ảnh được đổi tên thành giải Cánh diều, và trao thêm các hạng mục cá nhân xuất sắc.
Giai đoạn sau 2010 - Điện ảnh hội nhập
Năm 2010 đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, thu hút 22 nền điện ảnh tham dự, sau đó trở thành sự kiện thường niên tổ chức 2 năm/lần với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, thu hút nhiều nền điện ảnh và các tên tuổi lớn của điện ảnh thế giới tham dự, khẳng định dần vị thế trong khu vực.
Thời kỳ này cũng ghi dấu ấn sự hợp tác mạnh mẽ của các nhà làm phim trong nước với các nhà làm phim nước ngoài. Làn sóng các nhà làm phim Việt kiều về nước gia tăng, với các tên tuổi như Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Hồ Quang Minh, Việt Linh, Charlie Nguyễn, Dustin Nguyễn, Johny Trí Nguyễn… góp thêm những màu sắc mới mẻ cho điện ảnh Việt Nam. 10 năm trở lại đây, các hệ thống rạp chiếu hiện đại được xây dựng ở nhiều nơi, phim nhập khẩu cũng nhiều và phong phú hơn, thúc đẩy sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nhà làm phim trong nước với phim ngoại. Những năm 2014, 2015 đánh dấu sự tăng vọt của phim nội trong doanh thu, với những phim lập kỷ lục phòng chiếu như Tèo em, Quả tim máu, Để Mai tính, Em là bà nội của anh, Chàng trai năm ấy, Em chưa 18…
Giai đoạn hiện nay - Hợp tác và phát triển
Thời kỳ này cũng đánh dấu nhiều thay đổi trong hoạt động điện ảnh. Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở ra nhiều cơ hội cho điện ảnh Việt. Bộ phim Hoa vàng trên cỏ xanh là phim đầu tiên được thực hiện theo phương thức hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân: Nhà nước đầu tư vốn, tư nhân thực hiện. Hoa vàng trên cỏ xanh đã gặt hái thành công cả ở ngoài rạp chiếu và trong nhiều giải thưởng điện ảnh trong nước.
Đây cũng là thời kỳ của mở rộng hợp tác quốc tế, với nhiều dự án bom tấn của nước ngoài thực hiện tại Việt Nam, tiêu biểu là Pan, Kong - The island of skulls… góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.